Quản trị sáng tạo: 'Cửa sinh' trong bước đường cùng

 

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để tăng khả năng cạnh tranh.


Tại Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, bài toán chi phí luôn là áp lực đè nặng lên từng bước đi của doanh nghiệp nên việc sáng tạo vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Chính từ những hạn chế ấy, các doanh nghiệp cần áp dụng mô hình “sáng tạo mở” để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc biến ý tưởng thành sản phẩm trên thị trường.

Con đường để thoát hiểm
Chia sẻ với phóng viên, GS., TS. Wim Vanhaverbeke, Trường Đào tạo quản trị hàng đầu châu Âu ESADE cho rằng, ở mỗi thời kỳ khác nhau, trong từng tình thế của doanh nghiệp khác nhau thì sáng tạo luôn là điều cần thiết. Ông đưa ra dẫn chứng về hãng game Rovio – cha đẻ của Angry Bird để cho thấy sức mạnh của sáng tạo giúp họ trỗi dậy mạnh mẽ trong thị trường như thế nào.

Năm 2009, sau 6 năm thành lập hãng này đã tạo ra 51 game lớn nhỏ, nhưng phần lớn không thành công. Rovio đứng bên bờ vực phá sản. Tình cờ, Ban lãnh đạo Rovio nhìn thấy một bức hình có những chú chim nhiều màu sắc bên cạnh những khối màu sặc sỡ, họ nảy ra ý tưởng tuyệt vời. Họ làm việc miệt mài trong suốt 8 tháng với hàng trăm lần sửa đổi cùng với một giấc mơ về một tựa game đình đám. Và chú chim Angry Bird đã đạt được thành công ngoài mong đợi, mang về cho Rovio 156 triệu USD doanh thu (năm 2013). Cũng nhờ Angry Bird, Rovio đã thay đổi chiến lược, từ việc nỗ lực phát triển game mới chuyển sang phát triển những phiên bản mới và sản phẩm ăn theo Angry Bird.

Điều đó cho thấy, sáng tạo không chỉ cứu nguy doanh nghiệp khỏi khủng hoảng, mang lại sự tăng trưởng đột phá mà còn làm thay đổi chiến lược của một doanh nghiệp.

Sáng tạo để đơn giản hóa chi phí
Một thực tế ở Việt Nam là các doanh nghiệp luôn than phiền về chi phí vận hành doanh nghiệp. Bài toán chi phí luôn là áp lực đè nặng lên từng bước đi của doanh nghiệp nên việc sáng tạo vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thành Nam chia sẻ những kinh nghiệm quản trị của bản thân khi còn đương nhiệm vị trí Tổng giám đốc FPT Software nhằm mang đến cái nhìn thực tiễn từ một doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông, các công ty không nên than phiền vì sao doanh nghiệp mình không có quỹ nghiên cứu và phát triển (R&D), bởi lẽ sáng tạo là công việc hàng ngày và đôi khi chi phí của nó là 0 đồng. Hãy nghĩ rằng, ai cũng có thể sáng tạo chứ không riêng gì các giáo sư, tiến sĩ. “Khác với các doanh nghiệp xây dựng mô hình tổ chức theo dạng từ trên xuống, FPT Software thành lập nhiều trung tâm có thể tương tác, trao đổi với nhau để đưa ra quyết định tối ưu nhất. Điểm đặc biệt là ai cũng có thể thành lập ra một bộ phận trong cơ cấu tổ chức nếu dám xung phong và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”, TS. Nguyễn Thành Nam nói.

Đối với mô hình quản trị sáng tạo của các doanh nghiệp trên thế giới thì những doanh nghiệp nhỏ và vừa không có vốn mạo hiểm để hiện thực hóa những ý tưởng hay, họ cần áp dụng mô hình “sáng tạo mở” để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc biến ý tưởng thành sản phẩm trên thị trường. Chi phí cũng không còn là bài toán quá hóc búa với những doanh nghiệp có nguồn vốn hạn hẹp.

Theo GS., TS. Wim Vanhaverbeke, tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, như vậy các doanh nghiệp cần phải chuyển sang “sáng tạo mở”. Đây là cách để giúp các doanh nhân Việt biết cách thu hút được những nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, những nguồn lực từ bên ngoài vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới cho doanh nghiệp mình. Đồng thời, mô hình cũng chỉ ra cách tinh lọc ý tưởng, quy trình rút ngắn “đường đi” từ ý tưởng đến sản phẩm để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất. Đặc biệt, chúng có thể áp dụng được với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nên những bước tăng trưởng đột phá.

Ông cho biết, có 3 lý do để các doanh nghiệp cần phải chuyển sang “sáng tạo mở: Thứ nhất, để có thể sáng tạo ra một sản phẩm mới cần có sự kết hợp các tri thức, năng lực khác nhau chứ không chỉ nằm trong doanh nghiệp đó.

Thứ hai là tốc độ – nếu một doanh nghiệp tự xây dựng những năng lực công nghệ để tự nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm thì có thể mất vài năm, trong thời gian đó, rất có thể các doanh nghiệp khác đã kịp đưa ra nhiều sản phẩm mới khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp trở nên lỗi thời.

Thứ ba là có một số nghiên cứu rất rủi ro và đòi hỏi chi phí lớn nên sẽ an toàn nếu nhiều doanh nghiệp cùng phối hợp nguồn lực để thực hiện từng phần của nghiên cứu và cùng chia sẻ kết quả.

Đánh giá về mô hình kinh doanh ở Việt Nam, giáo sư cho rằng: các doanh nghiệp vẫn quen kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp. Ông cũng cho rằng, trong 5 năm gần đây, chi phí nhân công của Việt Nam đã tăng lên, cao hơn các nước Thái Lan, Indonesia hay các nước mới tại châu Phi. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mang tính sáng tạo cao hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn.

FPT Software hiện có mặt tại 14 quốc gia trên thế giới, nhưng hầu hết đều là những người tự đề xuất và xung phong “mở cõi” thay vì ban lãnh đạo công ty phân công, chỉ định. Người được giao nhiệm vụ phải được trao quyền để giải quyết các vấn độ nội tại ở bộ phận của mình cũng như cần có mục tiêu rõ ràng bằng những con số cụ thể. Nếu làm không tốt thì nên tìm người xứng đáng để thay thế.

Nguyên Tổng giám đốc FPT Software cũng chia sẻ những nguyên tắc được anh đúc kết như: người đề xuất một công việc tốt phải là người tìm cách giải quyết vấn đề của chính mình; để có lời giải hay, hãy đi tìm vấn đề mà bạn thích thú; đừng nói về hành động thế nào, hãy vẽ sơ đồ tổ chức và các con số kế hoạch; ý tưởng tốt nhất là chấp nhận ý tưởng tốt của người khác; hãy coi khách hàng như những người thầy, người đồng nghiệp…

Những gợi ý này chắc chắn sẽ không thừa với doanh nghiệp trên con đường chinh phục đỉnh cao thông qua sự khuyến khích, hợp tác cùng nhau sáng tạo.

Theo doanhnhanonline

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét