Nhanh tay với phân khúc thị trường người cao tuổi

 

Hàng loạt báo cáo nghiên cứu thị trường cho thấy tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng dành cho người lớn tuổi trong nhiều năm qua luôn ở hai con số, tiềm năng cũng còn rất lớn, nhất là khi tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Vậy nhưng, doanh nghiệp dường như lại đang khá thờ ơ với phân khúc này.
Số lượng sản phẩm, thương hiệu dành cho nhóm khách hàng lớn tuổi để đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng, sức khỏe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Minh Tâm

Không phải là đối tượng khách hàng ưu tiên

Theo báo cáo Consumer Panel mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, tại khu vực thành thị, tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng dành cho đối tượng người tiêu dùng trên 50 tuổi đều tốt, hầu hết đạt mức hai con số và cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình của toàn thị trường hàng tiêu dùng nhanh. Chẳng hạn, nhóm thực phẩm đóng hộp và thức uống dinh dưỡng có mức tăng khoảng 12-13% so với trung bình thị trường chỉ đạt khoảng 6-7%. Trong đó, sữa bột tăng 19%; sữa nước không đường, ít đường tăng hơn 15%; cháo ăn liền 25%...  Thậm chí, mặt hàng tã giấy người lớn còn có mức tăng tới 70%.

Chia sẻ với TBKTSG, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel, đánh giá trên thị trường hiện tại, số lượng sản phẩm, thương hiệu dành cho nhóm khách hàng lớn tuổi để đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng, sức khỏe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây chỉ là sữa bột, gần đây mới có thêm cháo ăn liền cùng một số ít sản phẩm dành cho người tiểu đường nhưng cũng ít ai biết đến. Đây chính là lý do những doanh nghiệp có sản phẩm là nắm giữ được thị phần tốt, tăng trưởng doanh thu đều ở mức hai con số mỗi năm.

Cũng theo ông Hoàng, trong danh mục phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, người tiêu dùng lớn tuổi chưa được chú ý đầu tư và ưu tiên, phải xếp sau trẻ em, người tiêu dùng trẻ thế hệ millennials (sinh từ năm 1980-1998, đang chiếm phần lớn trong tổng dân số tại Việt Nam) và nhóm mới nổi lên, thế hệ Z (sinh sau năm 2000, đang tạo ra những trào lưu mới, xu hướng tiêu dùng mới). Điều này cũng khá dễ hiểu bởi lâu nay, đây chưa phải là đối tượng khách hàng có số lượng lớn cũng như chịu chi tiêu.

Là doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường ở dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền nhưng bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (SGF), thừa nhận khách hàng lớn tuổi chưa phải là trọng tâm của công ty. Các sản phẩm cháo tươi hiện có, ai cũng có thể sử dụng nhưng bao bì thì vẫn nhắm vào khách hàng trẻ em. Điều này có nguyên nhân từ nhiều phía. Trong đó, tâm lý của người tiêu dùng, nhà bán lẻ là yếu tố quan trọng.

Bà Lâm dẫn chứng, cách đây bốn năm, khi tung ra sản phẩm cháo gà ác, cháo yến, SGF ghi trên bao bì thông tin: “Dành cho người 50+” vì muốn có sản phẩm dành riêng có người lớn tuổi. Vậy nhưng, bao bì cuối cùng phải bỏ thông tin này vì kênh phân phối không chịu, với lý do: “ghi vậy thì sao mà bán!”, tức những người dưới 50 tuổi hoàn toàn sử dụng được nhưng không dám mua. SGF sau đó chấp nhận bỏ thông tin này, đưa hàng vào siêu thị và mặt hàng này hiện bán rất tốt, chiếm 17% doanh thu của dòng cháo tươi.

Không chỉ cháo tươi, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của SGF cũng không ít lần đưa ra ý tưởng về sản phẩm dành cho khách hàng lớn tuổi nhưng cuối cùng không được hội đồng thông qua. “Đúng là tiềm năng thị trường ai cũng thấy nhưng không phải dễ vượt qua rào cản tâm lý này. Đó là chưa kể, với nhiều người tiêu dùng, việc mua đồ ăn chế biến công nghiệp, dù tươi, ngon, tiện cho ba mẹ mình thay vì nấu tại nhà mỗi ngày là điều chưa thể chấp nhận”, bà Lâm bình luận.

Nhanh tay chiếm lĩnh thị trường

Theo The Economist, nhân khẩu học tại khu vực châu Á đang chuyển đổi với tốc độ chóng mặt và Việt Nam nằm trong số đó. Nhóm người trên 60 tuổi hiện chiếm khoảng 12% dân số nhưng sẽ tăng lên 21% vào năm 2040.

Trong khi đó, theo Kantar Worldpanel, thống kê từ nhiều nguồn như United States Census Bureau, Tổng cục thống kê Việt Nam, cho thấy, đến năm 2018, Việt Nam có 15 triệu người cao niên (trên 55 tuổi), chiếm 16% tổng dân số. Theo tính toán, mỗi năm người cao tuổi tại Việt Nam sẽ tăng thêm 670.000 người, và đến năm 2030, số người cao tuổi tại Việt Nam sẽ lên mức 23 triệu, chiếm 23% tổng dân số.

Đặc biệt, người lớn tuổi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe hơn trước. Với thu nhập cao hơn, ý thức hơn về sức khỏe và có nhiều thời gian hơn khi về hưu để chăm sóc bản thân, nhóm người cao niên hứa hẹn là đối tượng tiêu dùng tiềm năng, đem lại lợi nhuận cao cho các nhà sản xuất và bán lẻ.

Trong bối cảnh đó, theo ông Hoàng, các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhà bán lẻ cần tập trung cho nhóm khách hàng này ngay từ bây giờ thì sẽ có được lợi thế rất lớn về sau, khi số lượng khách hàng chính thức bùng nổ.

Trải nghiệm của chính mình, một người tiêu dùng lớn tuổi (trên 55), bà Lâm cho rằng thị trường chắc chắn sẽ đầy cơ hội cho các doanh nghiệp. Điều này, không chỉ số lượng khách hàng đang tăng lên mà còn vì tâm lý tiêu dùng đã ngày càng thay đổi. “Bây giờ, cả con cái lẫn ba mẹ đều có góc nhìn rất thoáng với chuyện sử dụng sản phẩm ăn liền, không có gì là xấu, là ngại”, bà Lâm nói.

Điều này cùng với những minh chứng của thị trường đã khiến SGF thay đổi quan điểm. Do đó, trong thời gian tới sẽ có thêm rất nhiều sản phẩm dành cho từng đối tượng khách hàng cụ thể, trong đó phụ nữ, người lớn tuổi được ưu tiên.

Ông Hoàng lưu ý, người lớn tuổi trong những thập niên tiếp theo chính là thế hệ millennials hiện nay với những suy nghĩ, lối sống và hành vi mua sắm tiêu dùng khác so với người cao niên ngày trước. Do vậy, khi phát triển các sản phẩm, dịch vụ, cần lưu ý nhiều điểm quan trọng.

Thứ nhất, đây sẽ là nhóm người có thu nhập cao, kết nối thông tin qua nhiều nguồn khác nhau bao gồm Internet, điện thoại thông minh và các công nghệ tiên tiến nên việc mua sắm sẽ được tìm hiểu kỹ càng và sẽ sẵn sàng trả cao cho sản phẩm có chất lượng tương xứng.

Thứ hai, nhu cầu các sản phẩm tăng cường hỗ trợ hoạt động thể thao, các sản phẩm chăm sóc làm đẹp (ngăn ngừa lão hóa) và các sản phẩm ăn uống giải trí tại nhà sẽ cao do họ có nhiều thời gian cho việc luyện tập thể dục, chăm sóc bản thân hoặc các hoạt động giải trí tại nhà. Đặc biệt, sản phẩm cần dễ dàng sử dụng, tiện lợi, mùi vị tươi mới, dễ chịu, xốp mềm.

Thứ ba, các thông tin về thành phần phải rõ ràng trên bao bì, hình ảnh sản phẩm phải thân thiện. Ngoài ra, do kết hôn trễ, chậm con cái, gia đình nhỏ (chỉ có một hoặc hai thế hệ sống chung), nên sản phẩm phải có bao bì nhỏ, gọn, phù hợp tiêu dùng ngay hoặc tiện lợi trong việc bảo quản lâu để sử dụng được nhiều lần.

Cuối cùng là nơi phân phối hàng hóa. Người tiêu dùng này sẽ thích mua sắm ở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hay các trang thương mại điện tử, giao hàng tận nhà. 

Tâm An
(TBKTSG)

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét