Doanh nghiệp Việt 'bỏ quên' thị trường tiềm năng?

 

Nông thôn là một thị trường rộng lớn, có tiềm năng, tuy nhiên hệ thống bán lẻ hiện tại dường như đang bỏ quên khu vực này, nguyên nhân chính là do sức tiêu thụ của thị trường này còn thấp. 

Theo kết quả khảo sát về thị trường khu vực nông thôn Việt Nam của công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, nông thôn hiện chiếm 68% dân số và đóng góp 60% tổng thu nhập quốc nội. Điều đó cho thấy, tiềm năng của thị trường này rất lớn.

Thị trường nông thôn rộng lớn nhưng hệ thống bán lẻ hiện đại chưa vươn tới, sức tiêu thụ thấp nên khó thu hút doanh nghiệp

Cơ hội mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, thị trường nông thôn rộng lớn nhưng hệ thống bán lẻ hiện đại chưa vươn tới, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn Việt Nam khá cao, thu nhập cho người nông dân tăng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của khu vực này.

Đại diện CTCP Thời trang Hanosimex cho biết, các sản phẩm thời trang của công ty như quần áo mặc nhà, công sở và dạo phố từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích, đánh giá cao về chất lượng và độ tiện dụng. Để phát triển thị trường, công ty thường xuyên tham gia nhiều hội chợ hàng Việt Nam, đặc biệt là đến các vùng nông thôn ở một số địa phương, coi đây là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tiếp cận với thị trường nông thôn tiềm năng, xây dựng kênh phân phối mở rộng thị trường.

Qua đó, công ty tạo dựng uy tín cũng như nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được sử dụng những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. “Thị trường nông thôn rất nhiều tiềm năng và doanh nghiệp sẽ nắm bắt các cơ hội để phát triển mở rộng thị trường này”, đại diện Hanosimex nói.

Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này không nên tham vọng phủ hàng hết các cửa hàng đang có ở thị trường nông thôn mà phải xác định được đâu là điểm cần tổ chức bán hàng, từ đó, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của doanh nghiệp bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Hapro, nhiều năm qua, ngoài phát triển và nâng cao chất lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt, Hapro đã tích cực mở rộng đến các thị trường nông thôn. Thống kê trong 5 năm qua, Tổng công ty đã có tổng số 1.268 chuyến bán hàng trong đó 187 chuyến bán hàng phiên chợ Việt, 1.124 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất và bán hàng chính sách tại các huyện miền núi.

Còn nhiều gian nan

Hiện tại, doanh nghiệp và người tiêu dùng nông thôn kết nối với nhau hầu như chỉ tập chung vào các chuyến hàng Việt về nông thôn, các chương trình này chỉ tập trung vào những dịp lễ, Tết vì vậy khi doanh nghiệp rời đi sau khi kết thúc sự kiện có muốn người tiêu dùng người dân cũng không biết mua hàng ở đâu.

Chỉ riêng Hà Nội trong 10 năm qua đã tổ chức 2.500 đợt bán hàng về nông thôn với 60.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4 triệu lượt người mua sắm, doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng... Tuy vậy, hiệu quả của việc xây dựng và quảng bá thương hiệu thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn không cao, phần lớn doanh nghiệp thấy vậy nên không mấy mặn mà.

"Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ Việt Nam không tham gia chương trình này", bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phân tích, việc doanh nghiệp vừa và nhỏ không muốn tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn là vì thời điểm chỉ tập trung vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán theo hình thức hội chợ, không có chiều sâu.

Trong khi đó, không hiếm các trường hợp ở địa phương còn xuất hiện việc doanh nghiệp lợi dụng phiên chợ Việt tổ chức ở vùng sâu vùng xa để bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng “nhái” thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước...

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa mặn mà với hoạt động này là do chi phí tài chính và nhân lực lớn, hàng đưa về nông thôn hầu như không có lãi. Việc đưa hàng Việt về nông thôn sau khi trừ chi phí, điều mà doanh nghiệp thu lại được chính là cảm tình của nhân dân. Có lẽ vì vậy mà hiếm khi thấy doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài tham gia chương trình này.

Nhiều doanh nghiệp còn chưa hào hứng với thị trường nông thôn cũng như các chương trình đưa hàng việt về thị trường này cho rằng: Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn, nhà nước cần có sự hỗ trợ, quan tâm thông qua những chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ tại thị trường này.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Các cơ quan quản lý và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục giấy tờ, mặt bằng kinh doanh để xây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. 

Bảo Loan
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét