Doanh nghiệp làm thế nào để ngăn chặn tình trạng nợ xấu

 

Để doanh nghiệp bán hàng không có tình trạng nợ đọng là điều dường như không thể, tuy nhiên doanh nghiệp có thể kiểm soát, ngăn chặn nợ đến mức thấp nhất.

Trong nền kinh tế thị trường phát triển, công nợ là bài toán nan giải của bất kỳ doanh nghiệp nào. Để doanh nghiệp bán hàng không có tình trạng nợ đọng là điều dường như không thể, tuy nhiên doanh nghiệp có thể kiểm soát, ngăn chặn nợ đến mức thấp nhất. 

Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng

Kiểm tra, già soát quá trình mua bán, cung cấp hàng hóa có đúng hợp đồng không là việc các doanh nghiệp phải làm. Trong nhiều trường hợp, bên bán chủ quan, không thực hiện bước này cho đến giai đoạn thanh toán, người mua phát hiện hàng hóa nhận được không đúng với chủng loại như quy định trong hợp đồng. Nguyên nhân là bởi trước khi giao hàng do mã hàng theo hợp đồng không còn, bên bán đã thông báo và xin ý kiến bên mua đổi mẫu khác và bên mua đã đồng ý. Tuy nhiên, bên bán sơ suất không làm phụ lục, văn bản điều chỉnh mã hàng trước khi giao nhận. Bởi vậy, đến giai đoạn thanh toán, bên mua đã viện dẫn lý do không giao hàng đúng quy định, nên phải yêu cầu cấp lại hàng hoặc sẽ không thanh toán số nợ còn lại.

Trường hợp này, nếu bên bán có bước kiểm tra, già soát khi phát hiện hàng hóa giao bị sai khác so với quy định hợp đồng mà chưa có văn bản thỏa thuận điều chỉnh thì bên bán có thể bổ sung hoàn thiện ngay để hợp thức việc giao nhận hàng và việc đòi tiền hoàn toàn có cơ sở mà không bị gặp bất lợi.

Mặt khác, bước kiểm tra thực hiện hợp đồng cũng nhằm xác định hồ sơ vụ việc đã có những loại tài liệu nào theo quy định hợp đồng; những tài liệu còn thiếu, phải bổ sung thêm. Nhất là, bước kiểm tra cũng là thời điểm để đánh giá về giá trị pháp lý của từng hồ sơ, tài liệu đã được chặt chẽ, đảm bảo chưa. Khi hồ sơ đã được bổ sung hoàn thiện, đảm bảo đủ về số lượng và về giá trị pháp lý thì khách nợ sẽ không còn cớ để viện dẫn vào lý do là bên bán cung cấp hàng hóa không đúng hoặc thiếu hồ sơ tài liệu nên không thanh toán. Từ đó sẽ hạn chế được trình trạng bị khách nợ chiếm dụng vốn và tình trạng nợ xấu xảy ra.

Kiểm soát người mua hàng
Phần lớn các doanh nghiệp chỉ chú trọng, tìm hiểu bạn hàng ở giai đoạn trước khi hợp tác và ký hợp đồng mua bán. Khi thực hiện xong việc giao nhận hàng, nhất là khi người bán đã nhận được một phần tiền thanh toán của người mua; thì việc tìm hiểu đối tác càng bị bỏ qua hoặc xem nhẹ. Thông tin cập nhật chủ yếu là thông qua việc cử cán bộ, nên việc tìm hiểu của nhân viên sẽ không được cẩn thận và đầy đủ. Do đó, nhiều trường hợp khách nợ đóng cửa, tạm dừng hoạt động mà chủ nợ không hay biết, và số nợ còn lại rất khó để có thể thu hồi được. Bởi vậy, kiểm soát người mua hàng, nắm chắc thông tin về khách nợ sẽ giúp chủ nợ chủ động áp dụng các biện pháp đòi nợ, đảm bảo việc thu nợ kịp, thời hiệu quả; hạn chế tình trạng nợ khó đòi mất khả năng thanh toán.

Kiểm soát nhân viên thu hồi nợ
Nhân viên phụ trách thu nợ sẽ là nhân tố quyết định đến việc thành hay bại trong công tác thu hồi vốn cho Doanh nghiệp. Nếu công nợ có thuận lợi hoặc dễ thu hồi nhưng nhân viên phụ trách không bám sát, không theo dõi sát sao thì việc dễ cũng thành khó. Hoặc vụ việc ở mức độ bình thường, tuy nhiên nếu nhân viên phụ trách báo cáo thông tin về doanh nghiệp không chuẩn thì việc thu nợ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Người thu hồi nợ của Doanh nghiệp có thể là kế toán công nợ, là nhân viên kinh doanh hoặc là một nhân viên trong ban thu nợ. Tất cả đội ngũ nhân viên thu nợ này, ngoài việc phải đào tạo, bồi dưỡng cho họ có kiến thức, kỹ năng thu nợ; doanh nghiệp cần phải kiểm soát, quản lý nhân viên thu nợ chặt chẽ. Kiểm soát nhân viên thu nợ, nghĩa là Doanh nghiệp cần kiểm soát thông qua thực hiện các công việc sau:

• Kiểm tra việc theo dõi, bám sát việc thu hồi nợ của nhân viên;

• Mức độ, tần suất và các biện pháp thu hồi nợ của nhân viên;

• Kiểm tra mức độ chính xác của các báo cáo của nhân viên về tình hình hoạt động, khả năng tài chính của khách nợ;

• Đánh giá thái độ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên thu nợ khi triển khai, thực hiện công việc.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét