Doanh nghiệp Việt 'bỏ quên' thị trường cho người Hồi giáo

 

Khoảng gần phân nửa dân số trong khu vực ASEAN là người Hồi giáo, nhưng dường như doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ hoặc còn bị lúng túng trong việc đáp ứng các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn để phục vụ cho đối tượng khách hàng này.
Các đại biểu, diễn giả chia sẻ thông tin về thị trường ASEAN - Trung Quốc tại Diễn đàn - Ảnh: Hùng Lê

Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện về Diễn đàn Xuất khẩu 2018 với chủ đề "Thị trường ASEAN và Trung Quốc" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức vào ngày 14-12.

Tại diễn đàn, theo lãnh đạo ITPC, với 1/2 dân số ASEAN là người Hồi giáo, ngành công nghiệp Halal, tức ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, thực sự trở thành ngành công nghiệp quan trọng, còn nhiều tiềm năng và đang tiếp tục phát triển trong khu vực. Và đây được xem là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển để phục vụ đối tượng khách hàng này khi tiến vào thị trường khu vực ASEAN.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng thuộc Văn phòng chứng nhận Halal, dân số hồi giáo xét vào năm 2017 là chiếm khoảng 42% tổng dân số Đông Nam Á. Đáng chú ý, các nước có nền công nghiệp Halal trong khu vực này phát triển là Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Brunei,... Tuy nhiên, theo bà Hằng, do người theo đạo Hồi chiếm tỉ lệ rất nhỏ ở Việt Nam (dưới 1%) nên doanh nghiệp Việt Nam lâu nay còn xa lạ với việc sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn về Halal để phục vụ cho người theo đạo Hồi.

Bà Hằng lưu ý thị trường dành cho người Hồi giáo không đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao như ở thị trường Mỹ hoặc Châu Âu, nhưng lại yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất khắt khe. Trong đó, sản phẩm phải đảm bảo không có thành phần thịt heo, chó và các loại động vật bị cấm khác; không chứa các loại chất cấm theo tiêu chuẩn người Hồi giáo; không quảng cáo các hình ảnh nhạy cảm liên quan đến phụ nữ, tôn giáo khác… trên bao bì sản phẩm,...

Bà Hằng cho rằng doanh nghiệp trong nước hiện còn lúng túng, khó nắm bắt được các quy định, tiêu chí rõ ràng để được chứng nhận Halal. Doanh nghiệp cũng khó khăn trong xác định tổ chức nào được công nhận cấp giấy phép, giấy phép công nhận có phù hợp, có được chấp nhận ở các thị trường khác? Đáng chú ý, có doanh nghiệp chưa nhận thức rõ tiêu chuẩn Halal là gì, hoặc hiểu biết mù mờ như sản phẩm tiêu chuẩn Halal là không có thịt heo, trong khi tiêu chuẩn Halal còn có hàng loạt quy định hoặc những kiêng kỵ khác,...

Đáng chú ý, tiêu chuẩn Halal của mỗi quốc gia hiện còn khác nhau khiến cho các nhà xuất khẩu Việt Nam lúng túng trong việc áp dụng từng bộ tiêu chuẩn của từng nước theo đạo Hồi.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cũng lưu ý với doanh nghiệp rằng, cộng đồng người theo đạo Hồi chiếm dân số khá lớn trong khối ASEAN, nên doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng đối với lượng khách hàng này, vì dù sản phẩm đạt được những chứng nhận của các tổ chức quốc tế nhưng nếu không có chứng nhận Halal thì cũng rất khó thâm nhập thị trường. Theo ông, doanh nghiệp cần hiểu rõ tập quán và văn hóa của người Hồi giáo để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp,...

Theo các diễn giả, nếu tiếp cận được khách hàng theo đạo hồi ở khu vực ASEAN, thì doanh nghiệp cũng có thể mở rộng thị trường cho đối tượng này ở các khu vực khác trên thế giới. Bởi lẽ Halal là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trên thế giới, có trị giá 2.300 tỉ đô la Mỹ doanh thu mỗi năm, thu hút không chỉ các nước Hồi giáo mà cả quốc gia không có người Hồi giáo tham gia.

Quay trở lại thị trường khu vực ASEAN và Trung Quốc nói chung, các diễn giả nhận định còn nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Thiết Hòa cho rằng, để khai thác tốt thị trường ASEAN, các doanh nghiệp cần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường đồng thời tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu.

Doanh nghiệp cũng cần tập trung nghiên cứu thị trường về nhu cầu hàng hóa, dịch vụ; giá cả; thị hiếu, xu hướng tiêu dùng; hệ thống phân phối; vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thanh toán; yêu cầu về bao bì, nhãn mác; văn hóa trong kinh doanh; pháp luật kinh doanh,...

Theo ông Hòa, doanh nghiệp cần liên kết và tìm sự hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến nhà nước để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng...

Trong khi đó, đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Ngô Tuấn, Tổng Lãnh sự Trung Quốc, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với 1,3 tỉ dân. Dự kiến trong 15 năm tới, các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ vượt qua 30.000 tỉ đô la. Trung Quốc cũng xác định Việt Nam đã và đang là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng, đồng thời Trung Quốc là thị trường xuất khẩu của Việt Nam ở các nhóm hàng như điện thoại di động và linh kiện, gạo, rau quả, cao su thiên nhiên, dầu thô, xi măng, clinker, thuỷ hải sản, hạt điều, hạt tiêu và cà phê…

Để  thúc đẩy kim ngạch phát triển hơn nữa, theo ông Tuấn, cần phát huy vai trò dẫn đắt các ban ngành của Chính phủ, thông qua việc nghiên cứu khảo sát nắm rõ tỉnh hình và xu hướng thay đổi của thị trường tiêu dùng trên cơ sở xây dựng chính sách chỉ đạo và hướng dẫn; cần quan tâm theo dõi về nhu cầu tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp chứ không phải bán cái doanh nghiệp có sẵn.

Hùng Lê
TBKTSG Online

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét