Lý do nào khiến Singapore hấp dẫn startup từ khắp nơi trên thế giới?

 

Không chỉ có startup Việt Nam, nhiều ý tưởng kinh doanh khắp nơi trên thế giới đều chọn Singapore làm nơi hiện thực hóa bởi 3 lý do chính.

Tháng 11/2006, Singapore có tổng cộng 2.800 startup công nghệ. Một thập niên sau, tức 2017, đất nước nhỏ bé này có 4.300 startup công nghệ, với 30% là khởi nghiệp công nghệ cao. Báo cáo năm 2017 từ Startup Genome (Mỹ), xếp Singapore đứng hạng nhất thế giới về tiềm năng cho khởi nghiệp và hạng ba về kết nối toàn cầu trong số 20 hệ sinh thái khởi nghiệp lớn trên thế giới. Singapore cũng được xếp hạng là thành phố sáng tạo nhất ở châu Á - Thái Bình Dương theo Bloomberg và INSEAD.

"Nhằm đưa Singapore trở thành cửa ngõ đầu tư toàn cầu hàng đầu ở châu Á, chúng tôi cũng đang nỗ lực phát triển hệ sinh thái của các công ty và tổ chức sáng tạo, nơi thử nghiệm những cách mới để giải quyết các vấn đề khó khăn nhất trên thế giới hiện nay", ông Peter Ong - Chủ tịch Enterprise Singapore kiêm thành viên Ban điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết.

Đa dạng mô hình

Hiện có 130 cơ sở gồm vườn ươm khởi nghiệp (Incubator), nôi khởi nghiệp (Venture Builder) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) tại Singapore. Nước này đang khuyến khích nhiều công ty thành lập và đồng phát triển các mô hình Incubator và Accelerator tại đây. Ưu điểm của các mô hình này là khi startup có công nghệ mới và sự nhạy bén thì các doanh nghiệp lớn hỗ trợ kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường và phân phối.

Đơn cử như mô hình tăng tốc khởi nghiệp Zicom Medtacc. Accelerator này có kích thước như công ty cỡ vừa và được thành lập bởi một chuyên gia kỹ thuật chuyên nghiệp của Singapore. Nhiệm vụ của nó là khám phá và phát triển các công nghệ và giải pháp mới lĩnh vực công nghệ y tế. Zicom Medtacc đã cam kết chi 15 triệu SGD cho các khoản đầu tư vào các startup công nghệ y tế (Medtech). Vài công ty đang được đầu tư như Histoindex chuyên về chẩn đoán ung thư, Pellucid chuyên về hình ảnh y tế và BioBot chuyên về robot phẫu thuật.

Trong khi đó, mô hình nôi khởi nghiệp giúp các startup nhanh chóng phát triển bằng cách tận dụng nhân lực chất lượng cao, kết hợp với các mô hình kinh doanh khả thi và có thể mở rộng. Antler là một ví dụ. Antler được thành lập năm 2017 bởi các nhà lãnh đạo công nghệ đã xây dựng các doanh nghiệp thành công trên thế giới. Họ đào tạo các tài năng địa phương và đưa các doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới về làm việc. Các "tinh hoa hội tụ" này được dùng để thực hiện những ý tưởng nhằm "giải quyết các cơ hội và thách thức lớn nhất thế giới, tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp và xã hội".

Tính quốc tế cao

Một yếu tố đặc biệt giúp hệ sinh thái startup phát triển mạnh tại Singapore là sự đa dạng quốc tế. "Chúng tôi kết hợp các đối tác nước ngoài từ Australia, Pháp và Israel và những đối tác khác, nhằm trao đổi doanh nghiệp hai chiều", Peter Ong nói. Điểm nổi bật gần đây là sự hợp tác của Singapore với German Accelerator Southeast Asia (GASEA). GASEA sẽ hợp tác với Enterprise Singapore và EDB để tổ chức chương trình 'Scalerator', hỗ trợ hơn 40 doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore tiếp cận thị trường Đức và mở rộng ở châu Âu. 

Tại Singapore, thị trường vốn đầu tư cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm đang phát triển nhanh chóng. Hiện tại có hơn 220 nhà quản lý vốn đầu tư tại Singapore. Trong vòng 5 năm qua, tài sản của họ tăng trưởng 28%, đạt 190 tỷ SGD. "Tất cả sẽ không thể thực hiện nếu không có các nhân tài liên quan. Để tiếp cận nguồn lực tiềm năng toàn cầu, MAS và Bộ Nhân lực sẽ linh hoạt trong việc tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, MAS sẽ phát triển nguồn nhân lực nội địa thông qua giáo dục, nâng cấp tay nghề và chuyển giao năng lực", Peter Ong nói.

Chính sách thông thoáng

Ông Peter Ong nói rằng Singapore đang phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp bằng cách tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới sẵn có, không gian cộng tác, luật bảo vệ IP mạnh mẽ và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Gần đây, để giảm chi phí giao dịch và rút ngắn thời gian cần thiết để rót vốn đầu tư, The Singapore Academy of Law (Học viện Luật Singapore), cùng với Singapore Venture Capital and Private Equity Association (Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm và cá nhân Singapore), cùng nhau phát triển Venture Capital Investment Model Agreement (VIMA) (Thỏa thuận mô hình đầu tư mạo hiểm) cho các giao dịch vốn mạo hiểm giai đoạn đầu.

Đây là tập hợp các tài liệu đầu tư được chuẩn hóa, có thể sử dụng trong vòng tài trợ hạt giống (Seed round) và cấp vốn giai đoạn đầu, giúp các startup tập trung thời gian vào kinh doanh hơn là lo thủ tục. Tại Singapore Fintech Festival 2018 vừa diễn ra, MAS cũng công bố triển khai một chương trình cổ phần tư nhân trị giá 5 tỷ USD nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho phát triển tài chính và cơ sở hạ tầng.

MAS nói rằng số tiền này sẽ dành cho các nhà quản lý quỹ toàn cầu về vốn đầu tư cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng có cam kết tăng cường hiện diện hoặc sẽ thiết lập một sự hiện diện đáng kể ở Singapore thời gian tới.

VIỄN THÔNG
(Theo VnExpress - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét