Không thể tách rời công nghệ vào tiếp thị và bán hàng

 

Các doanh nghiệp phải đối mặt và đáp ứng với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của công nghệ trong việc ứng dụng blockchain/trí tuệ nhân tạo (AI)/Internet of Things trong tiếp thị quảng cáo, những thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng, đo lường hiệu quả, đổi mới sản phẩm, bán hàng…
Một phiên thảo luận của các doanh nghiệp tại hội nghị - Ảnh: Lê Hoàng

Đây là những nội dung được ghi nhận tại Hội nghị CEO & CFO Việt Nam 2018 do Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM vào chiều ngày 28-9, với sự tham gia của hơn 300 lãnh đạo của các nhãn hàng và doanh nghiệp lớn, đi đầu trong lĩnh vực marketing và công nghệ tại Việt Nam.
Với chủ đề "Shape the future" (tạm dịch: Định hướng tương lai), các thảo luận tại hội nghị xoay quanh những vấn đề tác động của sự phát triển của công nghệ và di động tới cách thức vận hành, phát triển doanh nghiệp, đổi mới sản phẩm, quảng cáo tiếp thị.

Theo các CEO, việc hỗ trợ tiện ích là cuộc chiến mới cho việc phát triển của các doanh nghiệp và chính công nghệ đã giúp việc kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng thuận lợi hơn trong thời đại công nghệ 4.0 này, và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của nhiều doanh nghiệp. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cho đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và thời điểm sẽ giúp doanh nghiệp mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Theo bà Christy Trang Lê, Giám đốc Quốc gia Facebook Việt Nam, khoảng 90% dân số mua sắm dạng offline, nhưng 60% lại quyết định mua hàng khi nhìn thấy sản phẩm đó khi online. Hai "thế giới" online – offline nếu kết nối với nhau sẽ rất hữu hiệu. Và theo bà, Data (cơ sở dữ liệu) được xem là tài nguyên rất lớn để kết nối 2 "thế giới" này.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc kết nối bàn hàng online với bán hàng offline thông qua các ứng dụng công nghệ; trong đó, việc nắm bắt những hành vi khác nhau của người tiêu dùng giúp các doanh nghiệp đầu tư đúng cách để tối ưu hóa việc tiếp cận khách hàng cũng như tăng trưởng doanh số, phát triển doanh nghiệp, tạo ra những bước đột phá trong vận hành doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nhà sáng lập và là CEO của hãng giầy Juno cũng cho rằng nhu cầu khách hàng rất đa dạng. Có người thích mua sắm kênh hiện đại như online, nhưng vẫn có nhiều khách hàng lại thích kiểu truyền thống. Nhiều khách hàng hiện giờ không thích nhắn tin mà muốn trao đổi trực tuyến… "Do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải duy trì kiểu bán hàng đa kênh, để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng", ông Tuấn nói.

CEO Mobistar Ngô Nguyên Kha dẫn chứng bằng câu chuyện đưa điện thoại thông minh của hãng vào thị trường Ấn Độ. Biết được người Ấn Độ rất thích selfie (chụp ảnh tự sướng) nên Mobistar đẩy mạnh phát triển camera tốt hơn, chụp góc rộng hơn nhưng  giá cả lại phải chăng. Nhờ đó, sản phẩm của Mobistar đã được nhiều khách hàng Ấn Độ đón nhận dù hãng mới gia nhập thị trường với nhiều thương hiệu điện thoại lớn khác đến sớm hơn.

Lê Hoàng

(TBKTSG Online)

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét