Vai trò của SME trong cuộc cách mạng 4.0

 

Các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng vai trò trọng tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Họ cũng nhấn mạnh rằng trong cuộc cách mạng này điều quan trọng là phải tìm ra được những cách thức kết nối những người khởi nghiệp với hệ sinh thái công nghệ sẵn có.

Các chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi mô hình kinh tế mà trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng. Ảnh: Thành Hoa

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư mạnh cho hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm tạo ra một lực lượng lớn lao động có khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, blockchain, robot… và giúp nắm bắt những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) tạo ra.

SME là trung tâm

Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và các ước tính cho thấy 66% xuất khẩu của ASEAN nằm trong chuỗi cung ứng này. Những lợi thế này có được là do ASEAN có nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp. Thậm chí khi nghĩ tới Việt Nam, nhiều chuyên gia còn cho rằng Việt Nam là Trung Quốc thứ hai, quốc gia đã tận dụng tốt cơ hội từ chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hình thức gia công sản phẩm cho các tập đoàn lớn trên khắp thế giới. Tuy nhiên, những lợi thế này cũng sẽ bị cuốn đi trước “cơn bão” cách mạng 4.0.

Thực tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới đang làm mọi cách có thể để nhanh chóng chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mới, từ mô hình thâm dụng lao động sang mô hình áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Trong đó, không ít quốc gia đang chi mạnh cho việc đào tạo lao động trong các ngành công nghệ thông tin, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robots… với hy vọng có thể tận dụng một cách hiệu quả những cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0. Điều này rất tốt, nhưng điều quan trọng hơn là phải vun đắp tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, theo ông Indranil Roy, Phó tổng giám đốc Đông Nam Á của Deloitte.

Theo các chuyên gia, trên thế giới có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát huy được lợi của mình từ việc tận dụng công nghệ. Điều này là do cơ cấu tổ chức của họ nhỏ gọn, đơn giản. Họ có thể dễ dàng hợp tác với các phòng ban và ra quyết định nhanh chóng khi nhìn thấy cơ hội trước mắt. Trong khi các tập đoàn lớn, có hàng trăm phòng ban và hàng nghìn nhân viên thì khó có thể làm như vậy nên tốc độ áp dụng công nghệ cũng chậm hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Roy lấy ví dụ về một khách hàng, là một ngân hàng lớn của Deloitte. Thời gian để họ đưa một sản phẩm, dịch vụ ra thị trường mất khoảng 47 ngày, trong khi đó, mỗi sản phẩm, dịch vụ của nhiều công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp (startup) khi ra đời chỉ mất khoảng 16 giây. “Đây là sự khác nhau rất lớn về tốc độ”, ông nói và cho biết thêm rằng các doanh nghiệp muốn tồn tại trong cuộc cách mạng mới luôn phải ý thức và vận hành giống như một startup.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp công nghệ thành công không phải là những người được đào tạo về trí tuệ nhân tạo, robot, blockchain... mà là những doanh nghiệp mong muốn giải quyết được vấn đề trong nước thông qua ứng dụng công nghệ. Uber là một ví dụ điển hình. Nhà sáng lập hãng công nghệ này không phải là một chuyên gia trong ngành công nghệ nhưng ông ta muốn tìm ra một giải pháp nào đó sau khi phải mất hàng giờ để đợi taxi. “Điều cần làm là đào tạo ra những người mong muốn giải quyết vấn đề và nếu giải quyết được vấn đề đó thì sẽ kiếm được nhiều tiền. Do đó, tinh thần doanh nghiệp và kỹ năng doanh nhân là những gì cần được vun đắp”, ông Roy chia sẻ trong chuyến công tác sang Việt Nam tham dự sự kiện Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN).

Trọng tâm của WEF ASEAN năm nay là phát triển SME, không phải là doanh nghiệp lớn. Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho hay các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam cần tạo ra môi trường chính sách nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong xã hội. Đồng thời, mỗi quốc gia cần tạo ra một môi trường cởi mở để “đón những điều mới”. Bởi vì sự xuất hiện của cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, kéo theo đó là sự thay đổi mô hình kinh tế mà trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp đến 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN và kiến tạo 80% số việc làm trong khu vực này. Do đó, một trong những lĩnh vực cần được chú trọng là làm thế nào để trang bị kỹ năng giúp những doanh nghiệp này khai thác triệt để nền kinh tế số và làm chủ công nghệ.

Theo phần phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại WEF ASEAN 2018, chính công nghệ cao và nền kinh tế số mới là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới trên 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Thủ tướng nói những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn và tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu.

SME cần sự trợ giúp

Chỉ mình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tự bơi thì khó có thể thành công trên thương trường mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt vì những doanh nghiệp này không có nhiều nguồn lực. Các thống kê cho thấy có tới 80-90% startup thất bại vì không có đủ vốn, nguồn lực để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Vic van Vurren, Vụ trưởng Vụ doanh nghiệp, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho hay nhà nước cần có cơ chế để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với khung pháp lý thuận lợi, thân thiện để có có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để SME, startup tiếp cận với nguồn vốn, công nghệ, cũng như các kỹ năng để thành lập doanh nghiệp. “Thông qua diễn đàn, tôi đã gặp rất nhiều người trẻ tràn đầy năng lượng và mong muốn tìm kiếm cơ hội mới. Vai trò của chính phủ chính là tạo ra không gian để cho họ thử nghiệm những ý tưởng mới, và họ có thể thống lĩnh cả thế giới”, ông van Vurren nói. Ngoài ra, cũng cần phải thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu liên quan tới các trung tâm đổi mới sáng tạo. Do đó, các quốc gia ASEAN cần phải đầu tư tiền bạc và thời gian để tạo ra các trung tâm này nếu muốn cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển khác.

Đồng quan điểm với ông van Vurren, ông Roy từ Deloitte cho rằng chính phủ đóng vài trò rất lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Chính phủ cần phải xây dựng môi trường và hệ sinh thái phù hợp để doanh nghiệp có thể tự giúp mình; xây dựng một một hành lang an toàn cho người dân trước những ảnh hưởng không như mong muốn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này có thể gây ra nhiều gián đoạn, tác động nhiều đến việc làm, nhiều người sẽ mất việc, thậm chí khó tìm công việc khác do không có kỹ năng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết nếu chính phủ có những chính sách, biện pháp hiệu quả kết hợp với các công ty để đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, sau mỗi 5 năm. Các chuyên gia tính toán mỗi một nghề, kỹ năng cần cho nghề đó chỉ có tác dụng trong 5 năm, sau đó người lao động phải học thêm những lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đóng vai trò quan trong việc thay đổi suy nghĩ của hệ thống giáo dục, thay đổi giáo trình để hướng học sinh học tập suốt đời. Vấn đề cơ bản hiện nay là hệ thống trường học vẫn đào tạo học sinh chỉ làm một công việc, không trang bị kiến thức thay đổi sự nghiệp cho học sinh. Điều này cần phải thay đổi, trường học cần chuẩn bị cho học sinh có khả năng học nhanh và thay đổi sự nghiệp nhanh chóng.

Còn về phía doanh nghiệp, theo ông an Vurren, để ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều đầu tiên là các doanh nghiệp nhận diện được những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực của nó đến hoạt động kinh doanh của họ và nó sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh của họ như thế nào. Các doanh nghiệp cũng cần phải tự hỏi liệu họ đã đào tạo lao động đúng mức để thích nghi với công việc mới hay chưa và tìm ra được những phương thức hữu hiệu giúp nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho nhân viên. “Đây phải là một quá trình liên tục và cần phải chú trọng nhiều đến các kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, khả năng giao tiếp... Đây là cách để cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông van Vurren nói.

Tăng “sự kết nối chính thống”

Là một trong những tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực thực phẩm và hoạt động tại nhiều nước trong khu vực, trong khuôn khổ của WEF ASEAN 2018, ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam Việt Nam, chia sẻ rằng để thúc đẩy thương mại nội khối cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực, các nước cần có giải pháp đồng nhất tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại. Ví dụ cụ thể mà ông Ampalavanar đưa ra tại WEF ASEAN 2018 là hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử cần được áp dụng thống nhất giữa các thành viên ASEAN.

Nói về sự kết nối trong khu vực, ông Roy từ Deloitte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự kết nối chính thống như một chính sách visa chung và người lao động có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không cần phải có giấy phép hành nghề. Các luật thuế và luật biên giới cũng cần phải thay đổi. Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc Đông Nam Á của Deloitte, nói: “Tôi không biết bằng cách nào và khi nào thì sự kết nối chính thống này diễn ra”.

Bên cạnh đó, cần có những kết nối phi chính thống như các công ty startup Việt Nam kết nối với startup ở Singapore, hoặc chính phủ Singapore hợp tác với startup Malaysia. Theo quan sát của vị lãnh đạo Deloitte, trong một số lĩnh vực đã có kết nối mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực fintech. Trong lĩnh vực này, rất nhiều ngân hàng trong khu vực, công ty thanh toán, công ty thương mại điện tử, đã trao đổi ý tưởng, hợp tác, thành lập các công ty liên doanh. “Chúng ta nên đưa mô hình kết nối fintech sang nhiều lĩnh vực khác”, ông Roy nói.
Xét ở bình diện chung của khu vực, việc kết nối số, chia sẻ dữ liệu là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng cạnh tranh của các quốc gia ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã thông qua kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và con người trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội nghị WEF ASEAN 2018 đã đề nghị các bên trao đổi để có kết nối số được lồng ghép và nâng cao hiệu quả của các kết nối, cùng với sự chú trọng đến việc phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử, thanh toán điện tử… Đồng thời, cần xây dựng các nguyên tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm điều chỉnh những cách thức và điều kiện để dữ liệu có thể được chia sẻ và sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tạo ra sự hài hòa giữa các môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính; ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… và đưa chúng vào hoạt động ở quy mô khu vực. Trên cơ sở đó, các thành viên ASEAN cần xây dựng môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật, quy định, cơ chế hài hòa nhằm giúp các doanh nghiệp nội khối có thể đạt được lợi thế nhờ quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Mối liên kết cơ chế một cửa ASEAN và hải quan là một ví dụ cụ thể được triển khai thực tế nhiều năm qua.

Việc kết nối còn phải được thực hiện trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, ASEAN cần thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo. Trong thời đại 4.0, nhiều nước ASEAN đã có các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm cấp quốc gia. “Cần xây dựng khuôn khổ kết nối vườn ươm quốc gia và mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Vũ Dung

(TBVTSG)

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét