Tiến vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần gì?

 

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu của Nhật Bản tại cuộc tọa đàm "Bán hàng vào thị trường Nhật Bản" hôm 12-12, đã kể câu chuyện về trái xoài và cách để đưa loại nông sản này cũng như các loại hàng hóa khác của Việt Nam sang Nhật Bản, thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Tọa đàm "Bán hàng vào thị trường Nhật Bản" sáng 12-12. Ảnh: Thành Hoa

Câu chuyện đưa trái xoài Việt Nam sang Nhật Bản

Trong phần chia sẻ của mình, ông Yuichiro Shiotani cho biết đã đến Việt Nam từ năm 1991 và có cơ duyên được làm việc tại TPHCM.

Một cơ duyên khác với Việt Nam, chính là vào tháng 10 vừa qua, Aeon được tiếp đón đoàn lãnh đạo Việt Nam. Aeon và phía Việt Nam đã có biên bản ghi nhớ hợp tác về việc cả hai bên sẽ thúc đẩy con số kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt đến mục tiêu 500 triệu đô la Mỹ trong năm 2020 và 1 tỉ đô la vào năm 2025. Ông Yuichiro chính là người được giao sứ mệnh biến những cam kết nói trên thành hiện thực.

Về phía cá nhân, vị doanh nhân người Nhật này “phải lòng” trái xoài cát chu của Việt Nam. Nhìn vào kệ xoài của hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản, ông thấy, giá xoài của Việt Nam cao ngang với xoài Mexico nhưng đắt hơn xoài của Thái Lan và Philippines, mặc dù tương đương về độ ngọt. Xoài Pakistan cũng đã sang được thị trường Nhật Bản năm 2014 và có giá rẻ hơn của Việt Nam.

Về độ ngọt, xoài Pakistan khoảng từ 18 đến 20 độ. Xoài Nhật khoảng 15 đến 24 độ, trong khi của Thái Lan và Philippines khoảng từ 15 đến 18 độ. Xoài Việt Nam trung bình khoảng 15 độ nhưng độ dao động rất lớn, từ 10 đến 20 độ.

Câu chuyện cụ thể mà doanh nhân đến từ Nhật Bản này gặp phải là thỉnh thoảng ông mua được trái xoài rất ngọt và ưng ý. Tuy nhiên, không ít lần mua phải trái chua và có cảm giác không thoải mái. “Xoài Việt Nam đang có sự không đồng đều về độ ngọt”, ông Yuichiro nói.

“Tôi đem câu chuyện trái xoài của Việt Nam nói với nông dân Nhật Bản. Họ nói, thực ra người trồng xoài Việt Nam hoàn toàn có thể khống chế được độ đường từ 20 đến 22 độ”, Tổng giám đốc Aeon Topvalu kể lại.

Những nông dân Nhật Bản mà ông Yuichiro gặp mách ông rằng, việc khống chế đó có thể thực hiện qua việc xác định thời gian thu hoạch hợp lý, việc bảo quản, cách xuất hàng…

“Nếu khống chế được độ ngọt và giữ tính ổn định, thì người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm của Việt Nam. Tôi hy vọng, ít nhất có thể xuất khẩu 100 tấn xoài Việt Nam qua hệ thống Aeon của Nhật Bản”, ông nói.

Một điều nữa, liên quan đến giá xoài, ông Yuichiro cho rằng, giá xoài của Việt Nam sang Nhật Bản cao hơn so với Thái Lan, Philippines vì chi phí hậu cần (logistics) đang cao. Và ông hy vọng, các bên liên quan có thể hỗ trợ để giảm giá logistics, góp phần giảm giá thành sản phẩm.

Vậy thị trường Nhật Bản tiềm năng ra sao?

Thị trường Nhật Bản vốn là thị trường lớn, bằng chứng là xứ sở hoa anh đào đang đứng thứ 3 thế giới về GDP, sau Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu nhập nông sản của quốc gia này là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường này cũng được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới. Xuất khẩu thành công qua Nhật Bản là có thể đưa hàng hóa tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Về hệ thống Aeon, ông Yuichiro cũng cung cấp những con số đáng chú ý. Cụ thể, doanh thu của tập đoàn lên tới 72,656 tỉ đô la. 1,2 tỉ là số khách hàng đến với Aeon mỗi năm. Số nhân viên của tập đoàn là 520.000 người. Số cửa hàng hiện có của tập đoàn là 21.113.

Nếu đưa được hàng vào Aeon Việt Nam, nghĩa là hàng hóa của Việt Nam có thể đến được với thế giới. Trước tiên là cơ hội được tới thị trường các quốc gia Đông Nam Á.

“Tôi muốn nói, nếu quý vị muốn xuất khẩu vào Nhật Bản, thì phải tìm hiểu thật kỹ thị trường này như thế nào, họ thích gì. Quý vị nhất định phải đến Nhật để xem mặt hàng tương tự, giá như thế nào, chất lượng ra sao. Nhờ đó, để có sự so sánh và cải thiện”, ông Yuichiro nói.

Khôi Nguyên
TBKTSG Online

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét