Thanh toán bằng mã QR thực sự ưu việt?

 

Thanh toán bằng quét mã QR code đang nở rộ trong thời gian gần đây khi một loạt ngân hàng thương mại, ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán triển khai tính năng QR Pay trên các ứng dụng di động và dịch vụ mobile banking.
Thanh toán bằng QR Pay ngày càng phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Chính Phong

Mã QR (quick response code), hay còn gọi là mã phản ứng nhanh, thường hiển thị dưới hình thức ô vuông màu đen trên nền trắng, chứa nhiều ký tự chồng chéo. Một mã QR có thể mang được rất nhiều thông tin như địa chỉ website (URL), thông tin liên hệ, tin nhắn, ký tự văn bản, thẻ ngân hàng…

Tiềm năng thanh toán qua mã QR code tại thị trường Việt Nam lớn nhờ dân số trẻ, số người sử dụng điện thoại thông minh nhiều và có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ.

Thanh toán bằng mã QR qua tính năng QR Pay cho phép khách hàng dùng camera di động quét mã QR để thanh toán nhanh trên các website thương mại điện tử hay tại các điểm bán hàng trên toàn quốc mà không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ.

Hiện tại Việt Nam có nhiều ngân hàng lớn triển khai dịch vụ này như BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, SHB, Maritime Bank… với hơn 7 triệu người dùng. Hiện có hơn 9.000 cửa hàng thanh toán bằng mã QR, con số này có thể tăng lên rất cao vào cuối năm 2018.

QR Pay phủ nhận thẻ ngân hàng?

Một vấn đề được đặt ra, nếu thanh toán bằng mã QR nhiều tính năng thuận lợi như vậy thì các thẻ tín dụng ngân hàng sẽ đi về đâu khi mà tính đến hết quí 3-2018, theo thống kê từ Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, đã có 147,3 triệu thẻ ngân hàng được phát hành.

Từ tiền mặt đến thẻ rồi đến smartphone là luồng tiến hóa của công nghệ trong thanh toán. Một số ngân hàng, ví điện tử, trung gian thanh toán khi quảng bá về thanh toán bằng mã QR thường đưa ra so sánh với thẻ ngân hàng, rằng cách thanh toán bằng mã QR này nhanh hơn và an toàn hơn dùng thẻ. Dùng thẻ ngân hàng dễ gặp phải nguy cơ bị người bán hàng đánh cắp thông tin trên thẻ. Đã phát hành ra gần 150 triệu cái thẻ để rồi bây giờ có thông tin trái chiều như vậy thì ngần ấy chiếc thẻ với chi phí tốn kém sẽ đi về đâu?

Tại Indonesia, người dân bỏ qua thẻ tín dụng để chuyển sang thanh toán bằng di động. Hãng nghiên cứu FT Confidential Research (FTCR) cho rằng, sự phát triển rộng rãi của hình thức thanh toán qua di động đang thách thức vị thế của thẻ tín dụng tại khu vực Đông Nam Á.

Thanh toán bằng mã QR có chậm hơn so với thẻ?

Bây giờ thử so sánh thanh toán bằng mã QR có nhanh hơn thẻ ngân hàng? Đầu tiên, khách hàng phải rút điện thoại có nối mạng Internet (nếu không nối mạng, mất công xin wifi của cửa hàng), mở ứng dụng mobile banking của ngân hàng, nhập mật khẩu đăng nhập vào tài khoản. Tiếp đó, chọn nút thanh toán bằng mã QR, chờ ứng dụng mở chức năng camera của điện thoại. Tiếp đó, đưa điện thoại vào mã QR của cửa hàng đợi quét. Quét xong, hiện ra bảng món đồ, giá tiền, tài khoản trả, bấm nút thanh toán.

Bấm thanh toán, nhưng chưa xong. Trên màn hình hiện ra bảng đòi mã xác thực OTP (one time password - mật khẩu sử dụng một lần) được gửi vào tin nhắn SMS. Thoát khỏi ứng dụng mobile banking. Bật SMS lên, sao chép dòng mã OTP. Thoát khỏi SMS, khách hàng vào lại mobile banking, dán dòng mã OTP vào, nhấn xác thực. Lúc này mới xong. Tính sơ sơ là hết 8 công đoạn.

Trong khi đó, với thẻ tín dụng (credit) chỉ cần đưa vào máy POS quẹt. Với thẻ ghi nợ (debit) đưa vào máy quẹt vào mật khẩu là xong. Vậy nên quảng bá rằng dùng mã QR thanh toán nhanh hơn dùng thẻ phải chăng còn thiếu sòng phẳng? 

Riêng với các cửa hàng, đầu tư chiếc máy POS đọc thẻ đắt tiền hơn là dùng mã QR nhưng họ vẫn phải trả phí giao dịch; thời gian làm giấy tờ thủ tục và đấu nối hai loại hình thanh toán như nhau.

Tính bảo mật của mã QR

Việc thanh toán bằng mã QR bắt đầu phát triển ở Việt Nam, quá sớm để nói nó an toàn. Thực tế, nó đang gặp nhiều vấn đề ngay bên nước láng giềng Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, tờ Southern Metropolis Daily (Trung Quốc) đưa tin, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông, khoảng 90 triệu nhân dân tệ (13 triệu đô la) đã bị đánh cắp qua mã QR. Theo một bản tin khác, cảnh sát thành phố Phật Sơn (Quảng Đông) bắt giữ một nghi phạm bị tình nghi đút túi 900.000 nhân dân tệ qua việc lừa đảo bằng mã QR. Nghi phạm bị cho là đã thay thế mã QR của các cửa hàng bằng mã có nhúng virus xâm nhập vào tài khoản mobile banking của các khách hàng và đánh cắp tiền của họ.

Thuê xe đạp - ngành trị giá hàng tỉ đô la ở Trung Quốc là mục tiêu dễ dàng nhất của những kẻ lừa đảo. Chúng thay mã QR dùng để mở khóa xe đạp dán trên thân xe bằng mã QR của chúng, khách hàng đi xe, tiền thuê xe chảy vào tài khoản ngân hàng của chúng, thay vì vào tài khoản của chủ công ty cho thuê xe. Mắt người thường không thể phân biệt được mã QR nào là thật hay giả, do đó mã QR dễ bị xâm nhập và bị thao túng.

Theo chuyên gia công nghệ Liu Qingfeng, chủ tịch Công ty cung cấp nền tảng nhận diện giọng nói iFlytek, 23% trong tổng số các loại virus Trojan - những chương trình hiểm độc thường giả trang như những phần mềm hữu ích - và một số loại virus khác đã có thể xâm nhập vào các mã QR. Ông Liu nhận xét rằng, dù sự nổi lên của mã QR có tác dụng khuyến khích tiêu dùng nhưng lợi điểm của tác dụng khuyến khích đó bị triệt tiêu hoàn toàn sau những vụ lừa đảo, chúng khiến người dân mất niềm tin vào các loại công nghệ tiên tiến khác nữa.

Alipay (của tập đoàn Alibaba) với 700 triệu người hoạt động hàng tháng và WeChat Pay (thuộc tập đoàn Tencent) với hơn 1 tỉ người sử dụng là hai cổng thanh toán thuộc hàng “ông tổ” về mã QR trên thế giới vẫn còn đau đầu với các dạng tấn công như vậy. Alipay nói họ sở hữu công nghệ có thể xác định mã QR được hệ thống của họ tạo ra hay không phải, mã đã bị nhúng virus hay chưa, để gửi cảnh báo đến khách hàng giúp khách hàng quyết định tiếp tục thanh toán hay không. Nhưng hệ thống của họ vẫn bị qua mặt.

Nhìn chung, để bảo vệ mã QR, đơn vị cung cấp giải pháp mã QR phải rất mạnh về công nghệ và tiềm lực tài chính.

Shuyao Kong, một chuyên gia công nghệ của Mỹ nêu ý kiến trên trang Tech in Asia rằng sự phát triển của mã QR hiện nay không có nghĩa nó sẽ là tương lai của thanh toán. Ngược lại, chúng ta đều biết rằng thế hệ thanh toán tới đây sẽ tập trung vào nhận diện khuôn mặt, giọng nói, ánh mắt hay thứ gì đó chưa thể tưởng tượng nổi, chứ không phải chỉ dừng lại ở mã QR.

Chính Phong
(TBKTSG Online)

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét