Sản xuất năng lượng sạch: Lĩnh vực kinh doanh tiềm năng kéo dài 2 thập kỷ tới

 

Tới năm 2040, những nhiên liệu mới sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của ngành sản xuất nhiên liệu mới vẫn chưa đuổi kịp nhu cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới (WEO) của IEA công bố ngày 12/11 cho thấy viễn cảnh mới của ngành năng lượng toàn cầu.

Trong vòng hai thập kỷ tới, ngành năng lượng toàn cầu được dự đoán sẽ có một màn lột xác ngoạn mục. Năng lượng gió và mặt trời sẽ trở thành nguồn cung cấp điện chính. Cơn khát than đá của Trung Quốc sẽ nguôi dần và nhu cầu về dầu cho phương tiện giao thông cũng giảm.

Thế nhưng cũng theo báo cáo này, năng lượng sạch vẫn chưa phát triển đủ nhanh để giúp con người giảm thiểu các nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Nếu chính phủ các nước không kịp thời đưa ra những chính sách bắt buộc nhằm giải quyết vấn đề, hiệu ứng nhà kính hay ô nhiễm không khí vẫn sẽ đe dọa trái đất.

Nhiên liệu hóa thạch không còn là số một

IEA dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ không đạt đỉnh điểm vào năm 2040.

Viễn cảnh cơ quan này đề ra là tính đến năm 2025, trung bình mỗi năm nhu cầu dành cho loại nhiên liệu này sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Sau đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng ở một mức trung bình là 250.000 thùng/ngày cho tới năm 2040. Vào thời điểm này, lượng dầu tiêu thụ sẽ ở mức 106,3 triệu thùng/ngày.

Bản báo cáo của IEA cũng đề cập tới việc khoảng 300 triệu chiếc xe chạy điện sẽ lưu thông trên đường vào năm 2040. Kéo theo đó, những phương tiện này sẽ cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ khoảng 3,3 triệu thùng/ngày. Năm ngoái, WEO chỉ đề cập mức giảm vào khoảng 2,5 triệu thùng/ngày.

Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc đang tập trung đầu tư vào các loại năng lượng gió, mặt trời, hạt nhân và khí tự nhiên. Quốc gia này vốn là nơi tiêu thụ một nửa lượng than đá thế giới.

Động thái trên được đánh giá là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện. IEA cho rằng lượng tiêu thụ than đá của cường quốc số một châu Á sẽ bị soán ngôi bởi nhiên liệu thay thế vào năm 2040.

Phát triển không kịp nhu cầu

Mặc cho những con số ấn tượng trong tăng trưởng của năng lượng sạch, theo IEA, vẫn còn rất sớm để cho rằng thế giới đã giải quyết được hiện tượng ấm lên toàn cầu. Lượng khí thải CO2 toàn thế giới tăng 1,6% năm ngoái và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Báo cáo WEO cho thấy lượng khí thải này vẫn sẽ tăng chậm nhưng đều cho tới năm 2040.

Một nguyên nhân nằm ở chỗ các nguồn nhiên liệu sạch vẫn chưa phát triển đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu, đặc biệt ở những nơi như Ấn Độ và Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa với việc nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục được sử dụng để lấp đầy khoảng thiếu hụt.

Để thay đổi điều này, các quốc gia buộc phải nhanh chóng ban hành những chính sách mới, nhằm đầu tư cho tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm tăng trưởng nhu cầu. Thông qua đó, IEA kỳ vọng các quốc gia có thể giảm lượng khí methane rò rỉ từ các nhà máy xăng dầu, cũng như hoàn thành công nghệ thu giữ carbon cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.

Báo cáo này cũng lưu ý rằng thế giới hiện đang đầu tư 2.000 tỷ USD hàng năm cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ngành năng lượng. Trong đó, 70% xuất phát từ những công ty quốc doanh hoặc chính quyền các nước. Vì vậy, tương lai của 20 năm sắp tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các quốc gia, đồng nghĩa đây là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp.

THÁI DUY
https://doanhnhansaigon.vn

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét