Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2018

 

Kể từ tháng 10/2018, nhiều chính sách kinh tế sẽ có hiệu lực thi hành, tác động đến nhiều doanh nghiệp Việt ở nhiều lĩnh vực.

Nới lỏng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1/10, được xem là đã "cởi trói" cho các doanh nghiệp trong ngành, với nhiều điều kiện được nới lỏng hơn.

Cụ thể, Nghị định gỡ bỏ yêu cầu quy mô kho chuyên dùng tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, bỏ quy định về lượng gạo tồn kho và giảm tỷ lệ dự trữ lưu thông từ 10% xuống 5%...

Nghị định mới được thi hành kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo quý cuối năm sôi động hơn.

Đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Từ 1/10, Thông tư 03 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có hiệu lực thi hành. Không chỉ lược bỏ thành phần hồ sơ, số lượng tài liệu trong hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Thông tư còn cho phép nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thời hạn của Giấy xác nhận tăng từ 2 năm lên 3 năm kể từ ngày cấp.

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 108 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10 sẽ sửa đổi nhiều quy định về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu tại một số giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không nhất thiết phải lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung thêm quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Được dùng CNY để thanh toán ở biên giới Việt - Trung

Việc quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tại Thông tư 19/2018/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 12/10.

Theo Thông tư này, đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY.

Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc CNY tiền mặt.

Thương nhân Việt Nam được thu VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt từ việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.

Doanh Nhan Sai Gon Online

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét