Doanh nghiệp Việt và bài toán tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập

 

Trong tiến trình hội nhập sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều mặt bởi tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư công nghệ và sản xuất bền vững. 

Nhiều thách thức

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhận diện kinh tế năm 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/11, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Năm 2018, kinh tế tăng trưởng khá đã thúc đẩy cải cách và môi trường kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, suy giảm kinh tế toàn cầu làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 không còn thuận lợi như trước. Hơn nữa, quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể cũng sẽ gặp khó khăn hơn bởi tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Do vậy, để đạt được sự tăng trưởng 0,1% so với năm 2018 như mục tiêu Quốc hội đề ra là không dễ.

Cũng theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, thời gian qua, tăng trưởng tín dụng nóng, thiếu kiểm soát, các ngân hàng đang đối mặt với nợ xấu. Một khi ngân hàng khó khăn về vốn sẽ tăng lãi suất huy động, và như vậy doanh nghiệp sẽ gặp khó về nguồn vốn vay. Không chỉ thế, sức ép tăng giá của đồng yên và đồng euro sẽ diễn ra trong tương lai gần. Bất động sản vẫn ổn định nhưng thanh khoản chậm.

Khi đó, những khách hàng giàu lên từ bất động sản sẽ giảm tiêu dùng, vì vậy ngành xây dựng và dịch vụ liên quan sẽ ảnh hưởng. Bên cạnh đó, áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phá giá đồng CNY, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng.

Có thể giá dầu sẽ tăng kéo theo các nguyên liệu khác cũng tăng giá, và như vậy, giá đầu vào sẽ tăng trong thời gian tới. "Trong môi trường hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đa số nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh thấp. Vì thế, nguy cơ thua trên sân nhà là có thật", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: Các hiệp định thương mại tự do đã ký và sẽ thông qua trong thời gian tới mở ra kỳ vọng không gian thị trường lớn, cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là động lực để thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh công bằng. Thế nhưng, hiện nay các doanh nghiệp mới tận dụng được 40% các ưu đãi về thuế quan từ các FTA.

"Vấn đề của doanh nghiệp là phải tìm hiểu kỹ thông tin về hiệp định thương mại, lộ trình thuế quan để tạo ra các sản phẩm hưởng lợi nhờ ưu đãi từ các FTA", TS.Vũ Tiến Lộc tư vấn.

Tăng năng lực cạnh tranh

Trước những thách thức trong năm tới, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp cần điều chỉnh việc kinh doanh phù hợp, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cần chú ý các khoản vay dài hạn, đặc biệt là những khoản vay lãi suất thả nổi.

Với những doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ mà không có nguồn thu ngoại tệ thì khả năng rủi ro khá lớn. Do vậy, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị tài chính, công cụ quản trị rủi ro, tái sinh để phòng vệ. Doanh nghiệp cũng nên tận dụng những cơ hội thương mại, trong đó có Hiệp định CPTPP mà Việt Nam chuẩn bị tham gia trong thời gian tới.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, có 3 vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý. Xu hướng quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn là hội nhập. Bên cạnh đó, nền kinh tế số và phát triển bền vững cũng quan trọng không kém. Nếu tham gia vào thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội kinh doanh sòng phẳng với doanh nghiệp thế giới. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, giá cả không quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không đóng góp vào lợi ích cho cộng đồng, lợi ích xã hội thì sản phẩm chất lượng cao cũng không thể cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài. Và trong nền kinh tế số, doanh nghiệp hãy đưa công nghệ số vào từng công việc cụ thể, như quản trị kinh doanh. Kinh tế số là nền tảng rất quan trọng để doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp lớn.

TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng, cho rằng, để tăng năng lực doanh nghiệp, đầu tư máy móc hiện đại là quan trọng. Phải có máy móc mới có thể phát triển sản phẩm mới, tăng được thị trường. Và chỉ khi có sản phẩm mới, hoặc chất lượng sản phẩm được nâng cao, doanh nghiệp mới tăng năng lực cạnh tranh. Với công nghệ, doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp với quy mô là tốt nhất. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn nhiều, nhân lực nhiều mà vào công nghệ phù hợp với quy mô của từng doanh nghiệp.

Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Mặc dù chỉ kinh doanh hàng nông sản như điều, tiêu, cà phê, nhưng những năm qua, Phúc Sinh đã không ngừng sáng tạo để đạt doanh số 200 triệu USD/năm. Tiêu, cà phê đều có sản phẩm mới ra mắt mỗi năm để cạnh tranh với doanh nghiệp cùng ngành các nước.

Năm 2018, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, thị trường thế giới biến động liên tục buộc Công ty phải điều chỉnh chính sách hằng ngày.

"Công ty đã vượt khó khăn nhờ sáng tạo và trong tất cả các ngành nghề, phải sáng tạo mới có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh như hiện nay", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

HỒNG NGA
https://doanhnhansaigon.vn

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét