10 điều cần cân nhắc khi chọn địa điểm kinh doanh

 

Trước khi bắt đầu tìm kiếm địa điểm kinh doanh, bạn cần hình dung rõ điều mình buộc phải có và muốn có, những gì mà bạn không thể nhượng bộ và ngân sách của bạn là bao nhiêu.

Chuyện này có thể tiêu tốn nhiều thời gian, cần cả sự nhiệt tình và tỉ mỉ, nhưng rất quan trọng và bạn buộc phải để tâm đúng mức. Nhiều sai lầm trong lúc khởi nghiệp có thể sửa chữa được nhưng việc chọn sai địa điểm có khi là sai lầm không thể sửa chữa. Nên cân nhắc 10 điểm dưới đây để có cái nhìn hệ thống và thực tế khi chọn địa điểm kinh doanh.

Phù hợp với phong cách
Phong cách thương hiệu của bạn là trang trọng và thanh lịch? Hay đó là phong cách thoải mái và thư giãn? Địa điểm cần phải nhất quán với phong cách và hình ảnh khác biệt của thương hiệu. Nếu bạn kinh doanh bán lẻ, bạn muốn một cửa hàng truyền thống hay là kiosk trong trung tâm thương mại hoặc một phương tiện có thể di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau?

Đối tượng khách hàng
Có hai góc độ quan trọng đối với vấn đề này. Đầu tiên, hãy cân nhắc xem khách hàng của bạn là ai và với họ việc ở gần địa điểm kinh doanh của bạn có quan trọng hay không. Với một nhà bán lẻ và một số nhà cung cấp dịch vụ, điều này là quan trọng; nhưng với một số loại hình kinh doanh khác thì nó có thể không quan trọng đến thế. Hồ sơ khách hàng mà bạn có được về thị trường mục tiêu sẽ giúp bạn thực hiện quyết định này.

Kế tiếp, hãy quan sát cộng đồng dân cư. Nếu khách hàng của bạn là dân địa phương, liệu sẽ có đủ một lượng khách hàng cần thiết sẵn sàng ủng hộ cơ sở kinh doanh của bạn? Cộng đồng này có ổn định về kinh tế để tạo nên môi trường kinh doanh ổn định? Nên thận trọng với những cộng đồng dân cư quá lệ thuộc vào một ngành nghề nào đó, vì chỉ cần một sự suy thoái cũng đủ ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh.

Hơn nữa, bạn sẽ cần đến nguồn nhân lực với những kỹ năng và tài năng nào và liệu cộng đồng này có đủ điều kiện để phục vụ nhu cầu của họ? Nhân viên của bạn có tìm được trường học, nơi giải trí hoặc môi trường văn hóa phù hợp?

Lượng người qua lại địa điểm
Lượng người qua lại địa điểm là rất quan trọng đối với hầu hết doanh nghiệp bán lẻ. Chắc chắn là địa điểm không nên kẹt trong một góc nào đó mà người mua sắm không thể đi ngang qua, và nên nhớ rằng thậm chí những khu vực sầm uất nhất cũng có những “điểm chết”. Ngược lại, nếu việc kinh doanh cần tính bảo mật, có lẽ bạn không muốn một địa điểm mà sự qua lại quá tấp nập. Nên quan sát tình trạng giao thông bên ngoài một địa điểm tiềm năng tại những thời điểm khác nhau trong ngày và những ngày khác nhau trong tuần để biết rõ về lượng người qua lại có thể đáp ứng nhu cầu của nơi kinh doanh.

Tính dễ tiếp cận và chỗ đậu xe
Đối với mọi người sử dụng địa điểm, từ khách hàng cho đến nhân viên và nhà cung cấp, địa điểm này có dễ tiếp cận hay không? Nếu địa điểm ở tại một con đường nhộn nhịp thì điểm gửi xe có thuận tiện không? Người khuyết tật có tiếp cận được không? Doanh nghiệp của bạn cần những nguồn cung nào và các nhà cung cấp sẽ dễ dàng giao hàng? Các kiện hàng nhỏ cần được tiếp nhận và chuyển ra ngoài nhanh chóng. Và nếu bạn cần nhận hàng bằng xe tải thì sao?

Bạn cũng cần tìm hiểu thời gian có thể tiếp cận (ngày và giờ) đối với những địa điểm mà bạn đang cân nhắc chọn lựa. Hệ thống điều hòa nhiệt độ vẫn hoạt động hay bị tắt vào ban đêm và các ngày cuối tuần? Nếu địa điểm của bạn đặt bên trong một tòa nhà văn phòng, có lúc nào các cửa ngoài bị khóa không? Nếu thế, bạn có được giao chìa khóa? Nếu bạn không cân nhắc hết các yếu tố thì một địa điểm tốn kém cũng có thể trở thành một thỏa thuận tồi tệ. Hơn nữa, cần bảo đảm có đủ chỗ đậu xe cho cả khách hàng và nhân viên. Nên quan sát lượng khách vào các thời điểm khác nhau trong ngày và trong tuần để đánh giá về nhu cầu chỗ đậu xe.

Sự cạnh tranh
Các công ty cạnh tranh có ở gần địa điểm của bạn? Đôi khi điều đó là tốt, chẳng hạn với những ngành mà khách hàng thích so sánh khi mua sắm. Bạn cũng có thể hưởng lợi từ lượng khách hàng hiện có của các doanh nghiệp khác, đặc biệt là khi bạn ở trong một khu vực ẩm thực và giải trí. Tuy nhiên, nếu như một đối thủ kế cận khiến cho việc tiếp thị khó khăn hơn thì bạn nên tìm nơi khác.

Môi trường kinh doanh trong khu vực lân cận
Đầu tiên, cân nhắc xem bạn có khả năng hưởng lợi từ các doanh nghiệp lân cận hay không vì những công ty này và nhân viên của họ có thể trở thành khách hàng của bạn hoặc bạn cũng có thể giao dịch với họ để phục vụ hiệu quả cho việc kinh doanh. Hơn nữa, khu vực xung quanh có hỗ trợ cho môi trường làm việc của bạn không? Nhân viên có nơi để đi ăn trưa hoặc có những dịch vụ cần thiết khác ở gần đó không?

Hình ảnh và lịch sử của địa điểm
Địa chỉ này sẽ nói lên điều gì về công ty bạn? Đặc biệt, nếu bạn tập trung vào thị trường ở địa phương đó, bạn cần bảo đảm là địa điểm sẽ phản ánh chính xác hình ảnh mà bạn mong muốn. Cũng nên kiểm tra về lịch sử của địa điểm này, về những lần cho thuê trước đó. Nếu bạn mở nhà hàng tại một địa điểm mà năm nhà hàng khác từng chịu thất bại thì có lẽ bạn đang khởi sự với một trở ngại khó vượt qua được - hoặc là địa điểm này mắc phải vấn đề nào đó hoặc là mọi người sẽ cho rằng doanh nghiệp của bạn rồi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như những đơn vị trước đây từng thuê.

Trong trường hợp đó, bạn cần khảo sát để tìm ra nguyên do thất bại - là vì khả năng kinh doanh hay do những bất lợi từ chính địa điểm đó. Còn nếu địa điểm này từng thành công thì đó là dấu hiệu tốt nhưng cũng cần lưu ý thêm là các đơn vị thuê trước đây hoạt động trong ngành nào, tương tự hay khác với ngành của bạn. Những quy định và hạn chế Cần tìm hiểu về bất cứ quy định hoặc hạn chế nào đó trong khu vực vì chúng có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Kiểm tra nơi bạn muốn thuê và cả những nơi kế cận. Có lẽ bạn không muốn mở cửa hàng rượu cạnh một trường mầm non.

Cơ sở hạ tầng của tòa nhà
Nhiều tòa nhà cũ không có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ cho các nhu cầu công nghệ cao trong bối cảnh vận hành kinh doanh hiện nay. Cần phải bảo đảm là tòa nhà có thể cung cấp đủ điện, hệ thống điều hòa và dịch vụ viễn thông có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại và cả trong tương lai.

Tiện ích và các chi phí khác
Và cũng đừng quên xem xét các chi phí tiện ích – với một số trường hợp thì chi phí này bao gồm luôn trong giá thuê nhưng có trường hợp thì chưa. Nếu giá thuê chưa bao gồm phí tiện ích thì cần yêu cầu công ty dịch vụ tiện ích cung cấp chi tiết sử dụng của năm trước để bạn tham khảo. Nếu bạn tự tổ chức công tác bảo vệ thì chi phí ra sao? Bạn cần loại bảo hiểm nào? Bạn có phải chi trả thêm cho bãi đậu xe? Cần xem xét tất cả những chi phí liên quan đến địa điểm.

Theo Doanhnhanplus

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét