Startup công nghệ 'lớn lên' cùng TMĐT xuyên biên giới

 

Với số lượng 100.000 đơn hàng hằng ngày từ thị trường thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới vào cuối năm 2018, các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ cung cấp dịch vụ giao nhận sẽ có cơ hội tăng nhanh quy mô. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh dịch vụ chia sẻ cũng bắt đầu có được kết quả doanh thu không nhỏ với các startup biết cách khai thác nhu cầu của người tiêu dùng.

Các startup công nghệ trong nước đang áp dụng các công nghệ mới để triển khai các dịch vụ giao nhận, hoàn tất đơn hàng… cho thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, giúp cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực cũng như thị trường toàn cầu.

Thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới đang thu hút các startup tham gia, cung cấp các dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh các startup cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử xuyên biên giới; còn có sự tham gia của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu. Những công ty hoạt động trong trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ mở thêm mảng giao hàng xuyên biên giới để gia tăng thị phần.

Các startup công nghệ như Gido, BoxMe, WeShop (thuộc Tập đoàn NextTech)… đang áp dụng công nghệ để kết nối với đối tác-khách hàng, cung cấp dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (Fulfilment), giao nhận hàng hoá xuyên biên giới…; hỗ trợ các doanh nghiệp muốn bán hàng xuyên biên giới.

Các startup này cũng kết nối với các công ty giao nhận, sàn kết nối dịch vụ giao nhận… trong nước để hoàn chỉnh mạng lưới giao nhận từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Như cách thức startup BoxMe đang kết nối các nhà cung cấp kho bãi địa phương hiện nay khi cung cấp dịch vụ hoàn thiện đơn hàng ra nước ngoài, hoặc thông qua Shipchung để kết nối các nhà vận chuyển trong nước.

BoxMe đang hỗ trợ việc triển khai phân phối hàng hóa trên toàn cầu; cung cấp dịch vụ giao hàng xuyên biên giới cho các dự án gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Thông thường, những chiến dịch crowdfunding cỡ lớn, sau khi gọi vốn thành công và phát triển thương hiệu thành công, sẽ phải giải quyết vấn đề xử lý các đơn hàng pre-order và đơn hàng mới trên quy mô toàn cầu. BoxMe có thể giúp các dự án gọi vốn xử lý quá trình phân phối hàng sau hoàn tất giai đoạn gọi vốn cộng đồng với chi phí giao nhận tiết kiệm hơn.

Gido cũng thế, startup này đang tận dụng hệ thống giao nhận hàng hóa của công ty Giao hàng nhanh và Ahamove (cùng công ty mẹ Scommerce) với 1.000 điểm giao nhận hàng và 30.000 tài xế trên toàn quốc giúp Gido rút ngắn thời gian nhận hàng.

Về lâu dài, Gido còn dự tính sẽ thử nghiệm cung cấp dịch vụ xuất hàng từ Việt Nam sang nước khác (hiện tại Gido đang giao hàng từ nước ngoài về Việt Nam). Bên cạnh nhu cầu nhận hàng hóa từ nước ngoài (mua từ các trang web bán lẻ trực tuyến); Gido cũng hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ giao hàng xuyên biên giới cho những khách hàng có nhu cầu bán hàng ra nước ngoài.

Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, Gido và XtayPro – hai công ty khởi nghiệp có liên quan tới hoạt động kinh doanh giao nhận xuyên biên giới – còn chia sẻ cụ thể hơn về những kế hoạch kinh doanh của họ trong năm 2019.

Doanh thu TMĐT xuyên biên giới sẽ đạt hơn 3 tỉ đô la Mỹ.

Ông Võ Hoàng Hải Tổng Giám đốc Gido: Theo báo cáo của Công ty DHL, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ giữ vững ở mức 25% trong suốt 3 năm tới, gấp đôi so với thương mại điện tử nội địa. Theo đó, tổng giá trị các giao dịch sẽ tăng từ 300 tỉ đô la Mỹ năm 2015 lên ngưỡng 900 tỉ đô la Mỹ, chiếm đến 22% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2020.

Khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Google-Temasek, trong năm 2018, doanh thu TMĐT xuyên biên giới là 2,32 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 10% doanh thu TMĐT ở khu vực này. Ước tính trong năm 2019, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vào khoảng 3,1 tỉ đô la Mỹ, với giá trị trung bình là 30 đô la Mỹ/đơn hàng.

Tại Việt Nam, ước tính doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới vào khoảng 28 triệu đô la Mỹ năm 2018, chiếm chưa tới 1% so với tổng doanh thu toàn ngành thương mại điện tử, cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Do đó, khi nhu cầu mua hàng tăng, nhu cầu vận chuyển cũng tăng theo. Ước tính thị trường hậu cần thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch.

Hiện nhu cầu thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới  tại Việt Nam là 20.000 đơn hàng/ngày, đến cuối năm 2019 sẽ tăng đến 100.000 đơn hàng/ngày. Thực tế, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới đã thu hút nhiều đơn vị hậu cần trong khu vực Đông Nam Á tham gia như aCommerece.asia (Thái Lan), Anchanto.com, Specommerce.com (Singapore).

Điểm nổi bật của Gido là đầu tư hạ tầng công nghệ để kết nối tất cả các nhà vận chuyển; bằng mô hình này công ty không phải đầu tư cơ sở hạ tầng như kho bãi, thiết bị vận chuyển nhưng vẫn có thể đáp ứng lượng đơn hàng và mở rộng quy mô trong thời gian ngắn (ý nghĩa của slogan Digital Forwarding Platform).

Tháng 3-2018, Gido bắt đầu chạy tuyến vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam. Tận dụng ưu thế công nghệ, chỉ trong vòng sáu tháng kế tiếp, công ty nhanh chóng khai thác tiếp tuyến Trung Quốc và Hàn Quốc, nâng tổng số tuyến vận chuyển quốc tế lên thành ba tuyến, cùng tám kho vận hành nước ngoài và hai kho vận hành tại Việt Nam.

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được năm qua, trong năm 2019, Gido đang tập trung vào hai mục tiêu chính; đó là hoàn thiện dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới đến tận tay người dùng cuối với thời gian chỉ tương đương vận chuyển nội địa (từ 3-5 ngày) và mở rộng thị trường, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trong khu vực châu Á để mang đến nguồn hàng hóa quốc tế chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất ở Gido giai đoạn khởi đầu chính là xác định đúng xu thế, nhu cầu thị trường để tìm ra một mô hình vận hành tân tiến, phù hợp với thị trường đồng thời tối ưu nhất nguồn lực về công nghệ, nhân sự. Thị trường vận chuyển xuyên biên giới tại Việt Nam nơi còn tồn tại nhiều rào cản hữu hình (công nghệ quản lý và theo dõi hàng hóa...) cũng như vô hình (quy định, thủ tục rườm rà...); để giải được các bài toán đó với vị thế của một người khai phá thị trường - mô hình kết nối vận chuyển xuyên biên giới thông qua nền tảng công nghệ cũng là một thách thức lớn.

Sẽ mở rộng sang các thị trường Anh, Pháp, Úc… trong năm 2019

Ông Nguyễn Trung Hiếu, sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc XtayPro: Startup XtayPro được thành lập vào cuối năm 2016 với mục tiêu kết nối người đi du lịch, công tác với người có nhu cầu mua những sản phẩm từ nước ngoài hoặc cần gởi các món đồ nhỏ, lẻ ra nước ngoài.

XtayPro xây dựng theo mô hình kinh tế chia sẻ với sự tham gia của cộng đồng người tiêu dùng mua giùm, mang giùm sản phẩm trên toàn cầu. Nền tảng XtayPro có hệ thống kiểm tra, phân hạng người dùng giúp bảo vệ khách hàng khi nhờ người mua giùm sản phẩm.

Trong năm 2019, mục tiêu chính của XtayPro là củng cố các thị trường mình đang hoạt động tốt như Mỹ, Đức, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... và mở rộng tham gia thêm vào các thị trường rất tiềm năng khác cho mô hình này như Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Myanmar... nếu có ưu đãi tốt từ phía chính phủ các nước tương tự như cuộc thi K-startup tại Hàn Quốc. Song song với đó, XtayPro cũng sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư công nghệ và trong ngành vận tải tại các nước này, cũng như các quỹ quốc tế.

Nhu cầu thị trường cho ngành mua sắm xuyên quốc gia là rất lớn, được đánh giá (Accenture và AliResearch) là sẽ đạt mốc 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 với gần 1 tỉ người tham gia. XtayPro mong muốn trong giai đoạn đầu có thể phục vụ được một phần ngàn thị trường này, phấn đấu giữ tỉ lệ giao dịch thất bại dưới một phần ngàn (hiện nay đang là 0,4 phần ngàn) và quan trọng nhất là chặt chẽ trong khâu xác minh người dùng, không để xảy ra bất kỳ một sự cố nào.

Mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) được đánh giá sẽ luôn tồn tại song song với các mô hình kinh doanh truyền thống, tùy vào ngành cụ thể mà tỷ lệ có thể khác nhau. Hơn 20 năm trước đây, trên thế giới cũng manh nha xuất hiện các mô hình như vậy, nhưng do điều kiện phát triển về công nghệ nên mô hình này chưa phát triển; cụ thể là hạ tầng Internet, điện thoại thông minh, mạng viễn thông, các công cụ lập trình tiên tiến, công nghệ GPS, hạ tầng thanh toán quốc tế, hạ tầng giao thông vận tải...

Hiện nay, chúng ta vẫn còn đang lãng phí rất nhiều tài nguyên, nếu áp dụng tốt các công nghệ, kỹ thuật mới thì chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nhân lực, tài lực cho đất nước và đẩy mạnh giao thương quốc tế, phù hợp với bước phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0).

Trên phương diện “đi thi đấu” ở các cuộc thi dành cho startup thì XtayPro cũng vinh dự đạt giải ba trong cuộc thi startup lớn nhất toàn cầu về quy mô K-startup Grand Challenge 2018. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi, có một startup từ Việt Nam lọt vào vòng chung khảo, và cũng là lần đầu tiên một startup Việt đạt giải cao như vậy.

Theo kinh nghiệm của mình, XtayPro cho rằng các công ty khởi nghiệp Việt Nam cần trau dồi kỹ kiến thức chuyên môn, học hỏi phong cách làm việc của các nước tiên tiến, bồi dưỡng khả năng ngoại ngữ để vững tin phát triển ra thị trường quốc tế. Khi bạn sẵn sàng thì cơ hội hợp tác phát triển trên quy mô toàn cầu sẽ tự nhiên đến.

Gido là công ty vận chuyển thương mại điện tử xuyên biên giới trực thuộc Scommerce (công ty mẹ của Giao Hàng Nhanh, Ahamove).
Gido là nền tảng vận chuyển xuyên biên giới dành riêng cho hàng thương mại điện tử (ecommerce parcels) và hàng lẻ (LCL-Less than Container Load hoặc gom hàng/Consolidation) đầu tiên tại Việt Nam, giúp kết nối giữa cá nhân, tổ chức có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới với đơn vị dịch vụ vận chuyển (Freight Forwarder).
Ứng dụng công nghệ hiện đại, Gido xây dựng hệ thống theo dõi trạng thái kiện hàng, sản phẩm trong suốt toàn trình vận chuyển, giúp cho tất cả các bên tham gia biết được tình trạng kiện hàng/sản phẩm của mình một cách chính xác, minh bạch, chi tiết…
Minh Chí - (TBVTSG) 

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét