Ngăn chặn hiện tượng 'chảy máu nhân tài' cách nào?

 

Đào tạo nội bộ vừa giúp phát triển đội ngũ, vừa đóng vai trò chốt chặn hiện tượng “chảy máu” nhân tài.

Một báo cáo về công tác đào tạo tại các công ty Mỹ năm 2017 của tạp chí Training Magazine thống kê được hơn 90 tỷ USD là số tiền đã chi ra. Tuy vậy, tình trạng khá phổ biến của nhân sự tham gia các workshop hay các buổi training là hời hợt, cho có mặt, hoặc sau đó vẫn làm việc theo cách cũ. Eduardo Salas, giáo sư tâm lý tổ chức tại đại học Central Florida từng nói trên tờ Wall Street Journal rằng: “Khi bạn quay trở lại công việc (sau chương trình đào tạo), bạn đã mất 90% những gì đã học được. 

Đào tạo không thể nào ngay lập tức làm biến đổi một nhân viên không có động lực hoặc không có kỹ năng. Các chương trình đào tạo thường hữu hạn về thời gian và không linh hoạt, giả định một giải pháp cho nhiều trường hợp nhân viên khác nhau”. Các chương trình đào tạo truyền thống có xu hướng tập trung vào những bài học dạng “mì ăn liền” (áp dụng ngay vào tình huống cụ thể) mà bỏ ngỏ việc phát triển cá nhân, không hấp dẫn. Đây là lý do căn bản khiến việc đào tạo không chất lượng.

Còn theo ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software, doanh nghiệp cần hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của đào tạo nhân sự thông qua nắm chắc bản chất của hoạt động này. Đào tạo nhân sự chính là cách doanh nghiệp lên kế hoạch, thay đổi hành vi mang tính hệ thống thông qua các sự kiện học tập, hoạt động, chương trình được thiết kế riêng cho nhân sự của mình. Mục đích cuối cùng của cả chuỗi hoạt động hệ thống ấy phải dẫn dắt người tham gia đạt được các mức độ kiến thức, kỹ năng, năng lực, cải thiện hiệu suất thực hiện công việc của họ.

Một chương trình đào tạo tốt cần gì?
Theo giáo sư Salas, các chương trình đào tạo cần đảm bảo 4 yếu tố: xác định rõ ràng các mục tiêu; hỗ trợ tổ chức để thực hành các kỹ năng mới đã học; đánh giá đào tạo liên tục; củng cố các khái niệm đã dạy. Ở mức độ sâu hơn, Ron Carucci - tác giả cuốn sách “Rising the Power”, chia sẻ trên trang Havard Business Review các tiêu chí thành công cho hoạt động đào tạo:

1. Khích lệ, nuôi dưỡng thái độ chủ động của nhân viên với công việc; phát triển sự tự tin cá nhân của nhân sự trong lĩnh vực của họ.

2. Tối ưu quy trình sản xuất/quy trình làm việc, khiến nhân sự hiểu và chủ động tiết kiệm chi phí.

3. Giảm bớt thái độ an phận, tự hài lòng và ngủ quên trong lao động. Thường xuyên nhắc lại, bồi dưỡng về kỹ năng để tạo sự sẻ chia và động lực cạnh tranh giữa các nhân viên.

4. Gia tăng tương tác, tiếp nhận các ý kiến cũng như phát hiện vấn đề sớm trong quy trình làm việc hay những khúc mắc từ phía nhân sự nhằm tối ưu phương pháp đào tạo.

5. Môi trường có ghi nhận sự nỗ lực, có cơ hội thăng tiến cho nhân sự chủ động trong công việc. Thông qua đào tạo, nhân sự được ghi nhận, khích lệ.

Thiết kế chương trình đào tạo hợp lý
Trong cuốn sách “Hiệu quả của đào tạo thể hiện ở hiệu suất của nhân sự” (Effects of training on Employee performance), tác giả Aidah Nassazi, giảng viên trường đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, (Hà Lan), đưa ra các quy tắc khi thiết kế các dạng chương trình đào tạo:

* Dạng sơ cấp, hoặc đào tạo nhân sự mới: cần có những chương nhằm giải quyết, nâng cao, cũng như giúp nhân sự nắm rõ cách giải quyết vấn đề (quy trình công việc cụ thể) một cách thuần thục hơn.

* Chương trình đào tạo dạng cung cấp thông tin: đưa ra cách thức và kỹ năng làm việc khi có sự thay đổi trong quy trình; hay có sản phẩm mới, cần phổ biến tới toàn thể nhân sự trong công ty.

* Chương trình đào tạo các nhân sự cấp trung trở lên: phát triển thêm các yêu cầu về kỹ năng quản lý, tư duy chiến lược, cơ cấu tổ chức nội bộ doanh nghiệp.

* Hai yếu tố cơ bản của mọi hình thức đào tạo nhân sự đều phải có để chắc chắn không lãng phí khoản đầu tư của doanh nghiệp là: nội dung đào tạo phải xoay quanh, cung cấp, chuyên sâu về một kỹ năng cụ thể. Yêu cầu thứ hai là cam kết thay đổi từ cả phía hệ thống và nhân sự, thực sự sử dụng các kỹ năng học tập trong quá trình đào tạo để cải thiện công việc.

* Các chương trình đào tạo cũng cần được thực hiện trong triển khai công việc thường nhật (on-the-job), hoặc thông qua các hoạt động ngoại khoá (off-the-job). 

Thanh Bình
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét