Cô đơn khi khởi nghiệp

 

Người làm khởi nghiệp thường gặp phải sự cô đơn trên hành trình nhiều thách thức, gian truân và đầy thú vị. 


Cô đơn đã có ở ngay trong việc lựa chọn, bởi xã hội có quan niệm phổ biến là tìm một công việc ổn định nên chọn khởi nghiệp là đã khác so với số đông. Cô đơn bởi người khởi nghiệp thường không nhận được sự ủng hộ từ chính gia đình, bạn bè và hay bị xem là “điên” vì làm những điều không giống ai, những điều mà chưa ai làm. Cô đơn bởi trên hành trình khởi nghiệp nhiều lần cộng sự và nhân sự không thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những người sáng lập. Cô đơn vì những mâu thuẫn nội bộ ngay chính trong những nhà sáng lập mà không giải quyết được ổn thỏa. Và vô vàng nỗi cô đơn khác. Do đó, ai không chịu được sự cô đơn và vượt qua sự cô đơn hãy đừng thử sức với con đường này, bởi khởi nghiệp sẽ khiến bạn trở nên cô đơn vô cùng và có thể gây stress nặng nề.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi khởi nghiệp thì bạn bè, gia đình đã hết lời can ngăn, bởi có sự khác nhau rất rõ ràng giữa công việc tôi đang làm có mức thu nhập, cơ hội thăng tiến rõ ràng khi làm cho một công ty danh tiếng và một thứ mơ hồ mà tôi chọn làm khởi nghiệp. Tôi gần như là tránh chia sẻ công việc khởi nghiệp với những người gần gũi nhất, tôi âm thầm và lặng lẽ tập trung làm việc, bởi tôi biết chính “sự yêu thương nhưng không đúng cách” từ người thân, bạn bè mà có nhiều điều tư duy tiêu cực và có thể khiến nhuệ khí bị giảm sút. Tôi toàn tâm toàn ý với sản phẩm/dịch vụ của công ty khởi nghiệp lần đầu tiên nhưng tôi đã thất bại, nguyên nhân lớn nhất là do chính nội bộ những người sáng lập khi lúc khó khăn có thể đồng cam cộng khổ nhưng khi có chút thành quả thì chia rẽ, vì lợi ích cá nhân. Và chẳng có nỗi cô đơn nào lớn hơn khi những anh em cùng khởi nghiệp “trở mặt nhau, đấu đá nhau”, đau đớn và cô đơn lắm. Và tôi đã chọn giải pháp rút lui khi mà những giá trị cơ bản đã bị phá vỡ, “gà cùng một mẹ lại đá nhau” chứ không phải là “khôn ngoan đá đáp người ngoài”. Khi thất bại bạn sẽ càng cảm thấy nỗi cô đơn lớn lắm, khi ấy nhiều người sẽ không còn tin bạn nữa kể cả khinh khi bạn đấy. Và văn hóa của Việt Nam lại xem thường sự thất bại và những người thất bại, bạn khởi nghiệp thất bại hoặc là bạn gục ngã hoặc là bạn cần tìm ra cho mình một động lực mạnh mẽ để tiếp tục đứng lên và làm lại.


Tôi tiếp tục khởi nghiệp lần hai, rồi lần ba, đến lần thứ tư, cả bốn lần đều đi đến kết cục phá sản. Có nhiều lúc nguồn ngân quỹ công ty thiếu trầm trọng và bao nhiêu chi phí cần chi trả như tiền thuê văn phòng, tiền lương, trả nhà cung cấp… thì người sáng lập công ty khởi nghiệp phải “cắt máu” tức dùng tiền riêng, tiền vay mượn để chi trả. Người sáng lập có thể ăn mì gói hàng tuần liền nhưng nhất định không để chậm trễ tiền lương nhân sự dù là một ngày, những lúc như vậy bạn phải “nuốt sự cô đơn” trong im lặng, nếu bạn không muốn tình hình khó khăn càng khó khăn hơn khi nhân viên bị lay động tinh thần. Nhân viên sẽ luôn thấy người sáng lập khởi nghiệp tươi cười vui vẻ nhưng ít ai thấu hiểu trong tâm can là “mấy tháng liền doanh số quá thấp với chỉ tiêu, thu chẳng đủ bù chi mà chưa tìm ra giải pháp hiệu quả”…

Vậy đấy, bạn làm khởi nghiệp bạn sẽ cô đơn trong suốt cuộc hành trình và quan trọng là bạn cần vượt qua nó nếu muốn đi đến thành công.

Tôi lại tiếp tục khởi nghiệp lần thứ năm với công ty hiện tại (Dân Trí Soft), lần này mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn bởi đó là kinh nghiệm của 4 lần trước đã “khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn”. Sự cô đơn vẫn sẽ có nhưng lần này với tôi “cô đơn” chỉ là một vấn đề nhỏ chứ không còn đau đớn như những lần trước, tôi có phương pháp để vượt qua như bao nhiêu vấn đề cần giải quyết vậy, đó là:

- Cần phải hiểu chính mình, tôi thường đặt câu hỏi cho nội tâm như mục đích sống của tôi là gì, ý nghĩa của công việc khởi nghiệp này là gì, tại sao khởi nghiệp ở lĩnh vực này…

- Khi hiểu được chính mình thì tôi sẽ là người tự động viên, tự tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho bản thân với mỗi khó khăn, mỗi sự cô đơn.

- Tôi cố gắng tìm kiếm những người cùng hệ giá trị để cộng tác làm đồng sáng lập, để trở thành nhân sự của công ty.

- Tôi luôn suy nghĩ cách cho đi ngày càng nhiều hơn, tạo giá trị đến cộng đồng ngày càng lớn hơn. Khi bạn cho đi thật lòng bạn sẽ nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống, đó là liều thuốc hiệu quả để chữa chứng “cô đơn” đấy.

- Tôi kết nối và tham dự vào các tổ chức, hiệp hội tử tế, tương đồng với giá trị sống, tôi hết lòng phụng sự tổ chức. Và chính nơi đây, tôi được học hỏi và chia sẻ từ những người khởi nghiệp, người làm kinh doanh chân chính, điều đó giúp tất cả vượt qua sự cô đơn trên con đường kinh doanh.

- Và tôi xem “cô đơn” là trải nghiệm trên suốt hành trình như bao việc khác vậy.

-v.v...

Thế đấy, làm khởi nghiệp là lựa chọn phiêu lưu, đầy mạo hiểm cũng như vô cùng cô đơn. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nó!?

TP HCM ngày 20/07/2018
Cao Trung Hiếu | Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft
- - - - - - - - - - - - - - - - - 

Báo Thanh Niên trích đăng



Làm thế nào vượt qua nỗi cô đơn khi khởi nghiệp? 

Không nhận được sự ủng hộ của bạn bè, người thân, thường bị cho là 'điên' hoặc không giống ai... khi khởi nghiệp, nhiều người trẻ phải đối diện với những nỗi cô đơn.
Điều khó tránh khỏi 
Mai Thanh Thái, quản lý công nghệ tại dự án khởi nghiệp WorldLine Technology, từng thừa nhận rằng khởi nghiệp là phải chấp nhận cô đơn, đó cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người trẻ khởi nghiệp ở VN.


Làm thế nào vượt qua nỗi cô đơn khi khởi nghiệp? - ảnh 1
Làm khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận cô đơn trong suốt cuộc hành trình, nhưng quan trọng là bạn cần vượt qua nếu muốn
thành công


Cao Trung Hiếu, người sáng lập và điều hành Dân Trí Soft

Thái kể, cuối năm 2015, bỏ sau lưng kế hoạch du học, Thái cùng các cộng sự lên Lâm Đồng sống và lăn lộn với người dân để thực hiện dự án khởi nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Thời điểm đó phải đấu tranh với gia đình khá nhiều, vì ở TP.HCM, Thái có nhiều cơ hội rất tốt để phát triển bản thân và chăm sóc gia đình. Hơn nữa, ai cũng can ngăn vì ngành trà thời điểm ấy đang đi xuống và nhiều người không trụ nổi.
“Rồi cứ thế mình khởi nghiệp cho đến hôm nay. Người ta bỏ thì mình càng phải cố gắng lao vào làm, và làm mới bằng ứng dụng công nghệ. Nhóm tiến hành thử nghiệm trên hệ thống nhà kính 1 ha và biến Cầu Đất Farm thành nông trại đầu tiên tại VN ứng dụng IoT (internet vạn vật) trong nông nghiệp. Chính những lúc đấy, khó khăn trăm bề, gia đình không ủng hộ, nhiều người can ngăn nên đó là nỗi cô đơn lớn nhất trong cả sứ mệnh khởi nghiệp”, Thái tâm sự.
Còn anh Trần Đại (chủ dự án Vườn của mẹ) chia sẻ: “Năm 2015, khi nghỉ việc ở công ty là mình bắt đầu hành trình cùng nỗi cô đơn. Lúc đó chỉ có một mình và chỉ biết là sẽ quyết tâm khởi nghiệp mà chưa biết chọn ngành gì và sản phẩm gì để khởi nghiệp thành công”.
Đại đã phải trải qua 3 dự án khởi nghiệp thì cuối cùng dự án Vườn của mẹ mới thành công. Vì chứng kiến mẹ từng nhiều lần nguy kịch và không muốn bệnh tật hành hạ tuổi già của mẹ, nên Đại đã quyết tâm khởi nghiệp với các sản phẩm từ cỏ lúa mì để tăng cường sức khỏe con người.
Nhiều nỗi cô đơn khác nhau
Trong chương trình Wetalk với chủ đề Khởi nghiệp nhưng đừng sạt nghiệp, nhà đầu tư cá mập Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse) đã chia sẻ: “Những ngày đầu tiên khởi nghiệp, công ty chỉ có một mình. Cô em gái vừa ra trường, về làm với mình được mấy ngày, chán quá cũng nghỉ. Đến em mình cũng nghỉ thì làm sao người ngoài làm được với mình. Đấy là cái khó khăn nhất khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Trong một môi trường rất buồn, một mình đi làm, không có ai xung quanh, thấy cô đơn vô cùng. Mà đây là tình trạng chung của hầu hết những người trẻ khởi nghiệp”.
Còn anh Cao Trung Hiếu, người sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, thì kể: “Lần đầu tiên tôi khởi nghiệp, bạn bè và gia đình hết lời can ngăn, bởi công việc đang làm có mức thu nhập và cơ hội thăng tiến khá cao nhưng lại chọn một thứ mơ hồ là làm khởi nghiệp. Tôi gần như tránh chia sẻ công việc khởi nghiệp với những người gần gũi nhất, tôi âm thầm và lặng lẽ tập trung làm việc, bởi tôi biết chính “sự yêu thương nhưng không đúng cách” từ người thân, bạn bè sẽ làm mình nhụt chí. Nhưng rồi thất bại liên tiếp 4 lần. Khi thất bại, bạn sẽ càng cảm thấy nỗi cô đơn lớn hơn, khi ấy nhiều người sẽ không còn tin bạn nữa, thậm chí là khinh khi bạn”, anh Hiếu kể.
Hãy xem cô đơn là trải nghiệm
Từ câu chuyện của mình, anh Hiếu khuyên: “Làm khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận cô đơn trong suốt cuộc hành trình, nhưng quan trọng là bạn cần vượt qua nếu muốn thành công”.
Theo anh Hiếu, những lúc thấy cô đơn hãy tự đặt câu hỏi như mục đích sống của tôi là gì, ý nghĩa của công việc khởi nghiệp này là gì, tại sao khởi nghiệp ở lĩnh vực này… Khi hiểu được chính mình, bạn sẽ là người tự động viên, tự tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho bản thân trước mỗi khó khăn. Hãy tìm kiếm những người cùng hệ giá trị để cùng làm đồng sáng lập, để trở thành nhân sự của công ty.
“Tôi luôn suy nghĩ cách cho đi ngày càng nhiều hơn, tạo giá trị đến cộng đồng ngày càng lớn hơn. Khi bạn cho đi thật lòng, bạn sẽ nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống, đó là liều thuốc hiệu quả để chữa chứng cô đơn. Và hãy xem cô đơn là trải nghiệm trên suốt hành trình đi đến thành công”, anh Hiếu nhấn mạnh.
Còn anh Đại thì rút ra từ những kinh nghiệm bản thân: “Nên đi giao lưu chia sẻ với những người trong giới khởi nghiệp. Trong những buổi giao lưu ấy, hãy đưa ra những câu hỏi để nhận về các câu trả lời và sự trợ giúp. Trong các câu trả lời và trợ giúp sẽ có cái giúp các bạn vượt qua được khó khăn hiện tại. Và trước khi khởi nghiệp hãy tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm khởi nghiệp để học hỏi và tránh gặp phải những nỗi cô đơn không đáng có”.

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét